"Nước Nga cần nói lời tạm biệt với mô hình kinh tế truyền thống, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu tài nguyên”- lời khẳng định của Thủ tướng Nga Vladimir Putin lần nữa cho thấy điều nước Nga cần là công cuộc cải cách hiện đại.
Hãng tin RBC trích lời ông Putin nói rõ: nước Nga cần lấp đầy “lỗ hổng” bằng đủ mọi loại sản phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng nhiều hơn trên thị trường thế giới.
Theo ông, chính phủ đã khuyến khích nhiều công ty nước ngoài xây dựng các nhà máy chế biến ở Nga nhưng như vậy chưa đủ, Nga cần phát triển hơn nữa ở thị trường trong nước chứ không chỉ nước ngoài. Từ trước tới giờ, nước Nga chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là dầu thô.
Quốc gia được mệnh danh là “trạm xăng” của nền kinh tế thế giới còn là nhà xuất khẩu hàng đầu palladium, platinum, titan. Xuất khẩu tài nguyên mang lại cho ngân sách Nga hơn 70% thu nhập. Sự tăng giá dầu mỏ và khí đốt đã tiếp thêm đôi cánh cho nền kinh tế Nga, giúp nước này có thể trả được nợ cho CLB Paris. Ngược lại, khi giá dầu giảm, GDP của nước này cũng giảm..
Trong bối cảnh thế giới đổ xô đi săn tìm tài nguyên quý, viễn cảnh cạn kiệt hoàn toàn có thể xảy ra. Những nước như Nga buộc phải nghĩ tới việc hiện đại hóa hơn nữa nền công nghiệp.
Thủ tướng Nga bộc bạch: “Tôi thường nghe thấy những suy nghĩ kiểu như cớ gì chúng ta phải nỗ lực tổ chức các sản phẩm riêng, trong khi chúng ta có thể mua tất cả ở nước ngoài những thứ như máy bay, tàu thủy, xe cộ và ngay cả hệ thống quốc phòng?”.
“Vâng, tôi đồng ý. Chúng ta có thể mua hết tất cả nhờ việc bán năng lượng hay các tài nguyên tương tự. Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu cứ phụ thuộc vào xuất khẩu các nguyên liệu quý, chúng ta sẽ lãng quên các nhánh quan trọng khác trong giáo dục và khoa học. Chúng ta cần tìm lại những ưu thế riêng từng có, vốn tích lũy được trong hàng thập kỷ qua để giành lại vị thế”.
Cách đây không lâu, Tổng thống Nga Dimitry Medvedev cũng từng nhấn mạnh hiện đại hóa là vấn đề sống còn của đất nước trong thế giới hiện đại với sự cách tân trên mọi phương diện khoa học-giáo dục-không gian-quốc phòng…
Bộ trưởng Du lịch Nga Vitali Mutko cũng nhìn nhận nước Nga cần phải xây dựng lại nền công nghiệp du lịch từ lâu đã bị bỏ quên để tăng ngân sách quốc gia. Với những cảnh quan thiên nhiên đẹp hùng vĩ và thơ mộng, ngành du lịch ở xứ sở Bạch Dương xứng đáng chiếm từ 9%-10% GDP thay vì chỉ dừng ở mức 2%-3% như hiện nay.
Theo ông Mutko, con số 160 triệu rúp mà hàng năm du lịch mang lại cho đất nước hoàn toàn có thể tăng lên thành 600 tỷ rúp (khoảng 20 triệu USD) nếu như có sự đầu tư và chiến lược đúng. Hiện phát triển du lịch ở Nga hiện còn hạn chế do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, kiểm soát visa còn khá nghiêm ngặt hay giá vé máy bay chưa hợp lý. Ví như nếu so sánh giá vé giữa các chuyến bay, giá vé máy bay giữa Matxcơva và Baikal còn đắt hơn vé từ Matxcơva đến New York.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày thế giới nhận ra nền kinh tế phát triển nhờ giá trị gia tăng chứ không phải nhờ đô la dầu hỏa. Nước Nga còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, nhất là nguồn nhân lực quý giá bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Hạn chế lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, hiện đại hóa đất nước bằng nền kinh tế tri thức phải là sự lựa chọn của nước Nga.
HÀ TRANG