Tài sản trí tuệ là công cụ tăng trưởng kinh tế

Tài sản trí tuệ không chỉ thuộc về phạm trù kỹ thuật, pháp lý mà còn là công cụ để phát triển kinh tế, tăng trưởng cho doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ  không phải là điều xa vời mà chính là tài sản mọi người dùng phổ biến hiện nay.

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Việt Nam, ông  Hasan Kleib, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phụ trách các vấn đề về hợp tác phát triển quốc gia và khu vực, cho rằng, việc sử dụng tài sản trí tuệ (TSTT) để phát triển doanh nghiệp (DN) là yếu tố rất quan trọng trên thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ, cần phát triển TSTT như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế. 

TSTT không chỉ thuộc về phạm trù kỹ thuật, pháp lý mà còn là công cụ để phát triển kinh tế, tăng trưởng cho DN. TSTT không phải là điều xa vời mà chính là tài sản mọi người dùng phổ biến hiện nay. Hiện ở các nước đang phát triển, tỷ lệ các DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 90%. Riêng ở Indonesia chiếm 99,3% và tại Việt Nam là 98%. Tại châu Âu, 9% các công ty sử dụng TSTT để tạo ra 70% tăng trưởng cho chính các công ty đó. Có thể thấy, việc sử dụng TSTT để thúc đẩy hoạt động kinh doanh là điều DN cần quan tâm, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa. 

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), với DN ở các nước phát triển, TSTT chiếm đến 90-95% hiệu quả sản xuất kinh doanh, thì tại Việt Nam, TSTT đang ở con số khiêm tốn. Nếu không có cách tiếp cận mang tính chất đột phá trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì khó đạt được những mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, các DN Việt Nam còn vướng mắc nhiều vấn đề trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT). Trước tiên, nhiều DN chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT dẫn tới không phát huy tối đa giá trị TSTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, không ít DN rất quan tâm về chính sách, cơ chế tài chính trong lĩnh vực SHTT, mong muốn học hỏi kinh nghiệm quốc tế và sự hỗ trợ của WIPO trong việc nâng cao các kỹ năng chuyên sâu, các mẫu điển hình về thương mại hóa, định giá TSTT. Đại diện WIPO cho biết, tổ chức này có những chương trình, công cụ hỗ trợ DN quản lý tốt quyền SHTT của mình. Cụ thể là sách, tài liệu hướng dẫn, các phần mềm “chẩn đoán” tình trạng SHTT của DN (IP Diagnostic) hay chương trình chuyên gia tư vấn quản lý TSTT cho DN (IP Management Clinics)… Những tài liệu, phần mềm này sẵn có trên trang web WIPO, các DN có thể truy cập để sử dụng. Theo kế hoạch, một số hoạt động, chương trình thời gian tới sẽ được triển khai ở Việt Nam như phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ DN quản lý TSTT, các khóa đào tạo, tập huấn, tư vấn về SHTT.

Tin cùng chuyên mục