Cuộc chiến lãnh hải trong thế kỷ XXI

“Tấm bánh Bắc Cực” bắt đầu bị xâu xé

“Tấm bánh Bắc Cực” bắt đầu bị xâu xé

(SGGP-12G).- Với công ước quốc tế được thông qua, người ta hy vọng những tranh chấp và xung đột về lãnh hải sẽ giảm đi nhiều. Nhưng thực tế lại không hề như vậy. Nếu có thể hình dung toàn bộ bản đồ địa-chính trị thế giới về các vùng biển, nó có thể ví như một tấm chăn bị cắt nát vụn, trong đó chuyện xung đột quyền lợi giữa các quốc gia là chuyện khó có thể tránh khỏi.

Những “yêu sách” về lãnh hải

Chẳng hạn như người Pháp lại đòi phần thềm lục địa của mình ở xung quanh khu vực quần đảo Saint-Pierre-et-Miquelon nằm ngay sát bờ biển Canada. Chỉ tính riêng đến việc Pháp có thể mở rộng khu đặc quyền kinh tế biển tại khu vực này đã khiến người Canada phải nổi giận vì theo họ, đây là phần nối dài của lục địa từ đất Canada.

Tình hình còn phức tạp hơn xung quanh các vùng lãnh thổ là thuộc địa cũ của Anh. London đang đòi khai phá quyền lợi kinh tế tại vùng thềm lục địa xung quanh quần đảo Falkland, đảo South Georgia, cũng như quần đảo South Sandwich ở phía Nam Đại Tây Dương.

Trong các văn bản và tài liệu gửi tới LHQ vào ngày 11-5 vừa qua, người Anh đã yêu cầu ủy ban đặc biệt của LHQ phải chấp thuận mở rộng vùng đặc quyền kinh tế biển của mình ở những khu vực này. Trong chuyện này, không quá khó để có thể đoán được phản ứng quyết liệt từ phía Argentina.

Danh sách những đòi hỏi quyền lợi biển đầy mâu thuẫn giữa các quốc gia còn có thể kể ra rất nhiều. Như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ireland cùng nộp đơn đồng thời đòi sở hữu khu vực biển rộng 31.000km² ráp ranh vùng vịnh Mar Cantabrico, từ lâu đã là vùng tranh chấp của Pháp và Tây Ban Nha. Còn người Anh cũng yêu sách đối với cả phần thềm lục địa tại khu vực Rocoll-Hutton phía Tây Scotland.

Tương tự như vậy, phía Đan Mạch đòi những vùng lãnh hải rộng lớn xung quanh đảo Greenland ngay sát với Canada. Ottawa tất nhiên không thể chấp nhận điều này nên đã thành lập cả một đơn vị dự bị đặc biệt gồm 1.600 người Eskimo có nhiệm vụ bảo vệ cả ngày và đêm mọi ranh giới lãnh hải quốc gia.

Còn phải kể tới cuộc tranh chấp kéo dài đã 5 năm giữa Ukraine và Romania xung quanh hòn đảo nhỏ Zmeiny. Kiev đã tìm cách chứng minh Zmeiny là một hòn đảo, còn Bucharest thuyết phục các cơ quan thẩm quyền quốc tế rằng đây chỉ là một dãy núi đá.

Đáng chú ý là khu vực xung quanh đảo Zmeiny lại có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Dù tòa án quốc tế của LHQ đã thừa nhận Zmeiny là một hòn đảo của Ukraine nhưng do đảo này nằm quá xa bờ, Kiev không thể coi vùng biển quanh đó là lãnh hải của mình.

Quần đảo Falkland (Malvinas) từ lâu vẫn là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Anh và Argentina

Quần đảo Falkland (Malvinas) từ lâu vẫn là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Anh và Argentina

Bài toán nan giải

Ngay cả vùng biển lạnh giá như Bắc Cực cũng đang nóng lên thực sự vì những tranh chấp giữa các quốc gia. Trước đây, Bắc Cực cũng đã từng được phân chia theo nhiều phần dành cho các quốc gia.

Chẳng hạn như từ những năm 20 của thế kỷ trước; Liên Xô, Đan Mạch, Na Uy, Canada và Mỹ cùng nhau chia sẻ các phầm của “tấm bánh Bắc Cực”. Đất nước có bờ biển dài nhất giáp ranh khu vực này là Liên Xô cũng được phân chia phần diện tích lớn nhất - gần 1/3 diện tích phần thềm lục địa tại đây, dù trên thực tế tất cả chủ yếu mang tính quy ước.

Những yếu tố biến đổi khí hậu khiến băng tan càng làm cho Bắc Cực đang trở nên hấp dẫn vì nguồn khoáng sản giàu có tại đây - riêng trữ lượng dầu và khí đốt đã ước tính tới 80 tỷ tấn. Làn sóng những yêu cầu đòi chủ quyền tại khu vực này cũng bắt đầu được khởi xướng.

Ngoài 5 quốc gia ban đầu, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Phần Lan cũng lên tiếng đòi một phần lãnh thổ tại vùng cực. Chưa kể có tổng cộng gần 25 nước tuyên bố sẵn sàng thăm dò và khai thác các mỏ khoáng sản tại vùng thềm lục địa cực Bắc.

Ngay như vùng đất đã chia cho Liên Xô cũ (Nga thừa hưởng hiện nay) đang là đối tượng tranh chấp của nhiều quốc gia. Mỗi bên đều có những lý lẽ và cả hành động khác nhau để tìm cách khẳng định chủ quyền của mình. Chẳng hạn như chỉ riêng trong năm 2003 đã có tới 7 chuyến thám hiểm khoa học của Mỹ, Na Uy, Đức… được triển khai trên phần diện tích của Nga.

Bản thân Moscow đang tìm cách chứng minh mạch núi ngầm dưới nước Lomonosov (trải dài từ lục địa tới phía Greenland) chính là phần tiếp tục của dãy núi trên đất liền của Nga. Nếu lý lẽ trên có thể thuyết phục được ủy ban LHQ, có tới 45% diện tích biển tại Bắc Băng Dương sẽ thuộc về nước Nga, kèm theo đó là tất cả những quyền lợi kinh tế trong khu vực này.

Tuy nhiên, có lẽ phải chờ rất lâu để có thể có được những phán quyết cụ thể liên quan tới các tranh chấp quốc tế về biển. Ủy ban LHQ xem xét các vấn đề ranh giới quốc gia của thềm lục địa chỉ có quyền đưa ra quyết định sau khi đã dàn xếp được tất cả mọi mâu thuẫn về ngoại giao - một thực tế chắc chắc sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục