Tầm nhìn đô thị ven sông, hướng biển

Không chỉ từ hệ sông ngòi, kênh rạch; mà từ mạng lưới giao thông thủy được thiên nhiên ưu đãi và con người tạo lập, TPHCM đã và đang định hình hướng phát triển đô thị ven sông, hướng biển như một ưu thế sẵn có, được khai thác theo “phiên bản” hữu ích nhất.

Phát biểu trong chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi “thay lời… cảm ơn”, đã đưa ra một thông điệp vừa có tính tổng kết vừa định hướng phát triển bền vững “Theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển” để “từ bước chân lưu dân đến đô thị thông minh…; với những cơ hội mới, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển thành phố bên sông”.

Không chỉ từ hệ sông ngòi, kênh rạch; mà từ mạng lưới giao thông thủy được thiên nhiên ưu đãi và con người tạo lập, TPHCM đã và đang định hình hướng phát triển đô thị ven sông, hướng biển như một ưu thế sẵn có, được khai thác theo “phiên bản” hữu ích nhất.

Rõ ràng, với Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, TPHCM cần nhìn nhận đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.

Hơn nữa, sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển thông qua liên kết vùng sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn cho TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Việt Nam, trong xu hướng “tiến ra biển” để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Trước mắt, việc quy hoạch không gian kinh tế biển, liên kết các đô thị biển, xây dựng đô thị lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nên sớm được hoàn thành. Thành phố có thể tiếp tục di dời hệ thống cảng trong khu vực nội thành nhằm tạo không gian phát triển và khai thác kinh tế ven sông Sài Gòn. Chuyển đổi công năng khu vực cảng Khánh Hội thành trung tâm tiếp nhận tàu biển du lịch quốc tế, gắn với xây dựng khu vực này thành trung tâm dịch vụ kinh tế đêm, tạo điểm nhấn cho việc phát triển kinh tế ven sông.

Cụ thể, sau khi đã hoàn tất quy hoạch TP Thủ Đức; trong khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể thành phố và quy hoạch kinh tế - xã hội, nên ưu tiên bổ sung phát triển dòng sông, giao thông thủy vào quy hoạch như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Xây dựng các công trình, bến thủy, cầu kết nối, trước hết tập trung vào khu vực trung tâm và Thủ Thiêm.

Trong đó khởi công trong năm 2024 và hoàn thành năm 2025 công trình cầu đi bộ nối từ quận 1 sang Thủ Thiêm cũng như đồng bộ 4 công trình đầu tư công tại Thủ Thiêm gồm: quảng trường, trung tâm triển lãm (tiếp tục hoàn thiện), nhà hát và nhà văn hóa thiếu nhi; thúc đẩy du lịch đường thủy thành một đặc sản du lịch của thành phố. Vấn đề là không chỉ chú trọng khai thác kết hợp du lịch thủy bộ với đặc trưng văn hóa sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” mà còn kết nối với cảng biển và các tuyến đường sông trong lưu vực Mê Công.

Đặc biệt, có thể gắn văn hóa sông nước với văn hóa cộng đồng, chú trọng đầu tư phát triển, quảng bá thương hiệu các sản phẩm công nghiệp văn hóa mang đặc trưng của thành phố, với mục tiêu cuối cùng là phát triển văn hóa đỉnh cao tại TPHCM, mang thương hiệu thành phố và xứng tầm khu vực, quốc tế.

Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành biểu diễn, thể thao sông nước; hình thành một số thương hiệu có uy tín trong nghệ thuật biểu diễn, xây dựng TPHCM là một điểm đến văn hóa nghệ thuật thể thao sông nước. Tạo lập thêm không gian văn hóa đặc trưng, hướng đến khuyến khích sự tham gia và tính sáng tạo của người dân, tăng cường kết nối giữa người dân với đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật và nhà quản lý; gắn với hoạt động biểu diễn.

Trong các tính toán tổ chức chính quyền đô thị, với định hướng nghiên cứu thêm 2 thành phố mới trực thuộc TPHCM, một thành phố phía Nam có thể lấy 2 địa bàn chính là huyện Nhà Bè và quận 7. Hoặc, trong việc hoàn thiện các công trình trọng điểm của thành phố như đầu tư xây dựng đô thị Tây Bắc (Củ Chi), đường ven sông Sài Gòn, khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đô thị sinh thái biển Cần Giờ đều lấy yếu tố sông - biển làm định vị trung tâm của phát triển.

Những ý tưởng này đã được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gợi mở thảo luận trong hội nghị lần thứ 22, sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM vừa qua.

Tin cùng chuyên mục