LTS: Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, với tình cảm trân trọng và chân tình, bạn đọc đã gửi đến Báo SGGP những tâm tình, cảm nhận, suy nghĩ về báo chí và công việc của người làm báo.
- Dấn thân bằng đam mê
Tôi là sinh viên năm thứ 3 Khoa Báo chí. Trên ghế nhà trường, các sinh viên báo chí ôm ấp lý tưởng nhà báo như là “siêu nhân”, mang trên mình máy ảnh, ghi âm, áo nhiều túi và những trọng trách xã hội to lớn. “Siêu nhân” ấy sẵn sàng lao vào những nơi nguy hiểm, đầy cạm bẫy phức tạp, không được phép run sợ, chùn bước mà phải tìm ra cho được sự thật. Với lý tưởng và khát vọng ấy, tôi đang thực tập để chập chững vào nghề.
Khi bước vào kỳ thực tập, tôi thấy có một khoảng cách rất xa với lý thuyết, nghề báo không lý thú hay nhiều chất thơ như những điều hoa lệ mình tưởng tượng. Công việc của người làm báo nhiều khi gặp phải những cản ngại, ức chế, phải sa vào những việc tủn mủn của cuộc sống và rối rắm của guồng máy xã hội. Khi đi lấy thông tin từ người dân để ghi nhận tiếng nói của người dân, nhiều khi lại gặp phải sự cảnh giác, dè chừng. Bản thân tôi cũng tự trách mình đã không chuẩn bị, thiếu hành trang vào nghề. Con đường để trở thành một nhà báo thật không dễ dàng, nhưng tôi vẫn tin rằng khi mình thực sự dấn thân bằng niềm đam mê, ắt sẽ có kết quả. Tôi hiểu rằng mình cần phải làm nhiều thứ để thay đổi: cần thật lòng với nghề, có trách nhiệm với từng bài báo của mình, sống cùng nhịp thở với bạn đọc.
PHAN ANH (sinh viên ĐH KHXH-NV TPHCM)
- Phải nhân ái, nhân văn
Là một người thường xuyên đọc báo, tham gia viết báo và cộng tác với nhiều tờ báo, tôi nghĩ người làm báo cần phải thật nhân ái, nhân văn. Tôi tâm niệm như vậy vì vẫn day dứt khi nhớ một chuyện cũ, ngẫm lại thấy bất nhẫn.
Năm 2001, tôi có chuyến công tác đến các trường cai nghiện. Khi về, tôi viết bài gửi đăng trên một số tờ báo, viết về những học viên đang nỗ lực vượt qua chính mình. Trong bài có kèm ảnh chụp và nêu rõ tên họ học viên, với thiện ý khen ngợi tinh thần nỗ lực vươn lên của các học viên, đánh giá tích cực môi trường chữa bệnh và giáo dục của các trường, chứ hoàn toàn không có ý chê trách hay nhắc lại quá khứ của học viên. Thế nhưng sau này nghĩ lại, tôi áy náy lo rằng, trong thời công nghệ thông tin, chỉ cần gõ tên người ở Google tìm hiểu thông tin là có thể gặp các bài báo của tôi, qua đó mọi người biết rằng có anh X, chị Y nào đó đã từng nghiện và phải đi trường cai nghiện, dù nay bản thân họ đã làm lại cuộc đời, không muốn cho người ta biết đến. Như vậy là tôi đã làm lộ bí mật đời tư của họ, khiến cuộc sống của họ có thể bị ảnh hưởng. Và bây giờ, nếu ai đó tình cờ đọc lại những bài báo cũ rồi liên hệ với việc mới của những người đó, chắc chắn quá khứ sẽ không thể “ngủ yên”. Tôi cho đó là bất nhẫn và luôn cảm thấy áy náy.
Tính nhân văn của một bài báo dĩ nhiên còn rộng hơn những gì liên quan đến câu chuyện của tôi vừa kể. Nếu thông tin hoàn toàn không đúng sự thật hoặc lấp lửng với ý đồ không tốt thì không chỉ là thiếu nhân văn mà còn là một lỗi, thậm chí là một tội, gây ra hậu quả không hề nhỏ. Vì vậy, khi viết, nhà báo cần phải tìm hiểu thật kỹ, suy xét cách thức thông tin sao cho trung thực và khách quan nhất.
Nhiều người vẫn nhắc rằng người làm báo cần một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Tôi nghĩ rằng, người làm báo nào cũng cần nóng và lạnh với cuộc sống, tức là biết yêu, biết ghét, biết chia sẻ, biết thông cảm và nhất là biết đặt mình vào hoàn cảnh, tình huống của nhân vật để cân nhắc rằng liệu mình có nên viết như thế không. Ở đây, không có luật nào chi phối mà chỉ có trách nhiệm, tư cách của người viết báo tự định đoạt con chữ và ngòi bút của mình. Cho nên, nói bài báo phải thật nhân văn tức là mong sao người làm báo phải thật nhân bản, nhân ái, nhân đạo.
TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM)
- Giữ tâm trong sáng
Trong ngày, chưa đọc được tờ báo mình ưa thích, nhiều người cảm thấy bứt rứt, nên dù bận rộn mấy cũng tìm đọc cho được. Quả là đói thông tin như đói cơm, khát nước vậy. Là một bạn đọc của Báo SGGP, tôi hiểu để có được những tin bài thời sự đăng trên báo, người làm báo đã phải vất vả, trăn trở. Hàng ngày, họ cũng như mọi người ra đồng ruộng, vào nhà máy, đến công trường, trường học, có khi ra biên giới, hải đảo xa, thu nhận hết thảy những gì diễn ra trong cuộc sống, thấu hiểu nỗi buồn, niềm vui, mối lo của mọi người, để rồi viết dàn trải những nghĩ suy, cảm thông, sẻ chia, với mong muốn góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đêm nào cũng vậy, đèn ở tòa soạn báo chỉ tắt khi ngày mới bắt đầu.
Làm nghề báo, nếu tâm không trong sáng, sẽ nguy hại khôn lường. Chính vì vậy, người làm báo phải nhìn nhận, đánh giá, phân tích, mổ xẻ sự vật, hiện tượng một cách khách quan. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là ngày hội của những người làm báo và cũng là dịp để những người làm báo tự soi mình và đặt ra những mục tiêu mới. Mong các nhà báo SGGP có những bài viết mang hơi thở cuộc sống, luôn có sáng tạo tìm tòi trong chế biến những món ăn tinh thần hấp dẫn không thể thiếu của mọi người, mọi giới.
VŨ HUYỀN ĐAM (Bình Chánh, TPHCM)
- Giúp bạn đọc cùng làm báo
Cuối năm 2003, người dân khu phố tôi ở rất bức xúc vì con đường dân sinh bị xe tải lưu thông cày nát. Chúng tôi nhiều lần phản ánh chính quyền địa phương nhưng vẫn không có hướng giải quyết. Thấy vậy, tôi viết bài phản ánh, trình bày chi tiết sự việc gửi Báo SGGP. Ngay sau đó, tòa soạn liên lạc, cử phóng viên đến gặp tôi để tìm hiểu thêm và cho đăng bài báo về chuyện này. Sự việc được ngành giao thông quan tâm chấn chỉnh ngay, không còn xe tải chạy qua đường dân sinh ở khu phố tôi nữa. Sau này thấy nhiều sự việc bức xúc trong xã hội, tôi cũng viết bài phản ánh và đều nhận được những phản hồi thân thiện từ tòa soạn.
Việc báo quan tâm tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, để bạn đọc cùng làm báo làm thông tin trên báo sâu sát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nói lên được tâm tư, tiếng nói của người dân. Những bạn đọc cùng làm báo như chúng tôi vui mừng và tự hào về những gì mình làm được, đồng thời cũng hiểu rõ những hạn chế về nghiệp vụ, góc nhìn, tầm nhìn của “nhà báo nghiệp dư”. Rất mong Báo SGGP tiếp tục tạo điều kiện giúp nhiều bạn đọc trở thành cộng tác viên, được bồi dưỡng về kiến thức nghiệp vụ để có nhiều tác phẩm báo chí hay, góp phần làm cho trang báo đậm tính dân sinh.
PHAN CHÚC (Thủ Đức, TPHCM)