Mỗi năm, hàng ngàn người ở Italia treo lịch có nhiều hình ảnh Benito Mussolini. Đây chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện nguy hiểm của hành động làm sống dậy chủ nghĩa phát-xít. Nhiều người Italia vẫn cho rằng nhà độc tài phát-xít Mussolini là người đáng kính, ngay cả các chính trị gia như Silvio Berlusconi cũng khai thác hình ảnh của Mussolini.
Hiện tượng hay xu thế?
Hình ảnh “Il Duce”, biệt danh của Mussolini ở khắp mọi nơi, từ quầy sách đến hàng loạt trang web, kể cả trong các loại lịch. Mỗi tờ lịch là một kiểu ảnh của Mussolini, từ ảnh đội chiếc mũ sắt, cằm nhô mạnh về phía trước đến ảnh nắm chặt một thanh kiếm La Mã. Hàng năm, vẫn còn nhiều người mặc quân phục kiểu Mussolini diễu hành cùng với các biểu tượng phát-xít. Du khách nước ngoài, đặc biệt là Đức, bị sốc khi thấy những hình ảnh Mussolini công khai trên lịch.
Mức độ sùng bái Mussolini tại Italia - một hiện tượng nhiều người nước ngoài rất khó hiểu - có thể thấy tại Predappio, một thị trấn nhỏ ở vùng Emilia-Romagna chỉ với 7.000 cư dân. Tại nơi này, vào ngày 29-7-1883, Benito Amilcare Andrea Mussolini, con trai của một người thợ rèn và một giáo viên trường làng đã chào đời.
Từ lúc đó, ngôi làng vẫn được gọi là Dovia. Nhưng Mussolini đã sử dụng nó làm thí điểm mô hình quy hoạch thành phố phát-xít, sau đó Mussolini đổi tên ngôi làng thành Predappio. Du kích Italia bắt Mussolini vào năm 1945, xử tử và treo ngược xác công khai tại một trạm xăng ở Milan. Nhà độc tài này sau đó được chôn cất cùng với cha, mẹ, vợ, con gái, em gái và em trai ở Predappio. Ngày nay, những thanh niên đầu trọc mặc áo choàng dài màu đen thường xuyên chụp ảnh tại khu mộ gia đình Mussolini. Cuốn sổ lưu niệm được ghi đầy các câu như “Ngài là Thượng đế duy nhất” và một số du khách còn chào theo kiểu phát-xít.
Mỗi năm, hàng trăm ngàn du khách đến Predappio, các quán bar, nhà hàng và đặc biệt là các cửa hiệu chuyên về vật dụng liên quan đến “Il Duce” chật cứng người. Ở đó, bạn có thể mua đồ khui rượu, gạt tàn thuốc, tiền kim loại, áo sơ mi, quần, lon cà phê, rượu, cốc bia và bật lửa với các khẩu hiệu như “Hãy tin tưởng, chấp hành, chiến đấu” hoặc “Hãy nguyền rủa những kẻ đầu hàng”. Tất nhiên, tất cả đều có hình ảnh Mussolini với cái cằm nổi tiếng hất về phía trước và chào theo kiểu phát xít. Có cả cờ hình chữ vạn, phù hiệu SS và tượng bán thân bằng đồng cao 38cm với giá 45 EUR. Có cả tượng đồng của Hitler cao 16cm với giá 15 EUR. Thành công nhất trong những cửa hiệu bán đồ lưu niệm Mussolini ở Predappio là cửa hiệu mang tên Pierluigi Pompignoli, với câu khẩu hiệu: “Hitler là một tội phạm, nhưng Mussolini là người danh dự”.
Tàn dư đáng ngại
Có thể khẳng định rằng đại đa số người Italia không muốn chào đón sự trở lại của chủ nghĩa phát-xít. Những người hâm mộ Mussolini du lịch tới Predappio chưa hẳn đã bỏ phiếu cho các đảng cực hữu. Họ có thể bỏ phiếu cho đảng Tự do nhân dân (PDL) của ông Silvio Berlusconi hay đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo, thậm chí cả các đảng trung tả.
Sự tôn vinh “Il Duce” là một trong những điều gây tranh cãi là vì công chúng Italia nói chung biết tương đối ít về thời kỳ lịch sử này của Italia nên sẽ có thêu dệt thêm về hình ảnh của Mussolini. Thay vì làm công khai cho dân hiểu rõ lịch sử, nhiều vụ việc thời Mussolini không được làm sáng tỏ như vụ tấn công hơi độc vào thường dân Ethiopia hay các cuộc tấn công vào Albania và Hy Lạp. Tại Italia, chẳng bao lâu sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, những người theo phát-xít lại được xã hội chấp nhận. Họ còn lên tiếng trong các cuộc đấu tranh trong nước hay quốc tế giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Ngược lại, ở Đức, nơi có tiến trình xóa bỏ ảnh hưởng của Đức quốc xã sau chiến tranh và một quá trình kéo dài nhiều thập kỷ phán xét lịch sử nên công chúng nhận thức rõ về chủ nghĩa phát-xít.
Mussolini dựng lên luật phân biệt chủng tộc, năm 1938 tham gia vào nội chiến Tây Ban Nha cùng phe với Francisco Franco và Hitler, trục xuất, xử tử nhiều người. Không như phát-xít Đức, toàn cầu đều biết rõ tội ác của họ, nhiều khía cạnh mang tính phát-xít trong lịch sử Italia có xu hướng được làm nhẹ đi. Chẳng hạn việc trục xuất trí thức tới các ngôi làng hẻo lánh lại được ông Silvio Berlusconi khi còn là thủ tướng năm 2003 ví như “kỳ nghỉ nội bộ”.
Khi Berlusconi bước vào vũ đài chính trị trong những năm 1990, ông ta cần các thành phần phát-xít để kiếm thêm lá phiếu. Vì vậy, ông giúp họ được xã hội chấp nhận, thậm chí thành lập liên minh với họ và đưa họ vào nội các. Benito Mussolini, cháu gái Mussolini từng là liên danh trong quốc hội với ông Berlusconi. Bà là cựu nữ diễn viên và người mẫu của tạp chí Playboy. Năm 2009, một đoạn phim cho thấy trùm truyền thông Lele Mora, người ủng hộ Berlusconi, hãnh diện vì đã tải quốc ca thời kỳ phát-xít làm nhạc chuông điện thoại của ông.
Nhưng Berlusconi đã không thể biến Italia thành một quốc gia theo cánh hữu. Những đảng cánh hữu ngày nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trải qua những năm dài cầm quyền, ông Berlusconi hẳn đã để lại, dù vô tình hay cố ý, tàn dư của chế độ phát-xít rất nguy hiểm có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
THỤY VŨ
(Theo Spiegel, Foreign Policy)