Tàn sát rừng cấm Vườn quốc gia Yok Đôn

Với diện tích 115.545 ha, Vườn quốc gia Yok Đôn hiện được xem là lớn nhất trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, đồng thời có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển Tây Nguyên và của cả nước. Quá trình điều tra đã phát hiện có 854 loài thực vật, 77 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát và 16 loài lưỡng thê sinh sống trong khu rừng này.
Tàn sát rừng cấm Vườn quốc gia Yok Đôn

Với diện tích 115.545 ha, Vườn quốc gia Yok Đôn hiện được xem là lớn nhất trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, đồng thời có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển Tây Nguyên và của cả nước. Quá trình điều tra đã phát hiện có 854 loài thực vật, 77 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát và 16 loài lưỡng thê sinh sống trong khu rừng này.

Nhiều loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức quốc gia và toàn cầu do sự tác động quá lớn của con người. Đặc biệt là tình trạng săn bắn, chặt phá nhiều loài động thực vật quý hiếm, càng làm cho rừng ngày càng nghèo kiệt, khó có khả năng tái tạo. 

Nhóm PV Báo SGGP đã thâm nhập vào vùng lõi của vườn quốc gia Yok Đôn và chứng kiến nhiều cánh rừng với các loại gỗ quý như: giáng hương, cẩm lai, căm xe…bị đốn hạ không thương tiếc.

Một cây gỗ hương tại tiểu khu 501 vừa bị đốn hạ

Một cây gỗ hương tại tiểu khu 501 vừa bị đốn hạ

Tại các tiểu khu 429, 458, 462, 508…, nhiều cây gỗ quý từ vài chục năm đến hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ chỉ còn trơ lại gốc cùng cành, lá... nằm ngổn ngang khắp nơi.

Tại tiểu khu 458, nhóm PV chúng tôi còn đối mặt với một nhóm lâm tặc đang xẻ nhỏ 3 cây gỗ hương để tìm cách vận chuyển ra ngoài. Thấy chúng tôi, gần chục tên lâm tặc tháo chạy thục mạng, bỏ lại hiện trường các loại dụng cụ chặt phá cây rừng như: cưa, đục, dao, can nước, quần áo và thực phẩm dự trữ đi rừng dài ngày. 

Dụng cụ của lâm tặc bỏ lại sau khi tháo chạy

Dụng cụ của lâm tặc bỏ lại sau khi tháo chạy


Phương thức “đi hàng” của những băng nhóm lâm tặc thường được thực hiện bằng các loại xe thồ (xe đạp tự chế), xe địa hình (xe gắn máy chế thành xe đi rừng) và thậm chí dùng cả voi vận chuyển từ trong rừng sâu ra các tuyến đường tuần rừng, sau đó vượt các trạm kiểm lâm ra tỉnh lộ 1 chạy thẳng về phố huyện Buôn Đôn.
Xe đạp thồ - Một trong những hình thức vận chuyển gỗ lậu

Xe đạp thồ - Một trong những hình thức vận chuyển gỗ lậu

Một phương thức vận chuyển khác cũng được nhiều nhóm lâm tặc áp dụng là tuyến đường sông. Gỗ lậu sau khi được chuyển ra các cửa rừng, lâm tặc sẽ đưa xuống các bến gỗ được thiết lập bên bờ trái sông Sêrepok. Đêm xuống, chúng tìm cách vượt sông sang bờ phải, rồi tập kết lại trong các “xưởng cưa” di động, xẻ nhỏ những khúc gỗ ra rồi chuyển lên các xe tải nhỏ, hoặc xe gắn máy chạy thẳng về TP Buôn Ma Thuột.
Gỗ lậu được tập kết bên dòng sông Sêrepok

Gỗ lậu được tập kết bên dòng sông Sêrepok


Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn, trung bình mỗi tháng bọn lâm tặc đã vào rừng đốn hạ khoảng từ 1.500 đến 2.000 m³ gỗ quý. Chỉ chưa đến 1/ 10 số gỗ quý trên bị phát hiện, bắt giữ. Mặc dù trên địa bàn huyện Buôn Đôn hiện nay có hơn 20 chốt, trạm kiểm lâm được bố trí ở hầu hết các cửa rừng và các tuyến đường chính trên bộ và cả dưới sông, song hàng ngàn m³ gỗ quý vẫn vô tư vượt trạm, làm cho rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn đang “cạn máu” từng ngày, từng giờ.  
Gần 100m³ gỗ lậu bị lực lượng kiểm lâm số 6 bắt giữ

Gần 100m³ gỗ lậu bị lực lượng kiểm lâm số 6 bắt giữ

Mặc dù trong nhiều năm qua, tình trạng tàn sát rừng cấm Vườn quốc gia Yok Đôn đã được báo chí và người dân lên tiếng phản ánh, thế nhưng mức độ tàn phá rừng không những không được ngăn chặn triệt để, mà ngày càng diễn ra khốc liệt.
Điều đáng nói ở đây là mỗi năm nhà nước bỏ ra gần 40 tỷ đồng để bảo vệ rừng nhưng rừng vẫn bị tàn phá một cách vô tội vạ. Nếu các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc không vào cuộc quyết liệt, không có những biện pháp bảo vệ rừng tốt hơn, thì chỉ vài năm nữa thôi, những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên còn sót lại ở Vườn quốc gia Yok Đôn sẽ biến mất. 
Nguyễn Đức – Hoài Nam – Mai Hương

Tin cùng chuyên mục