Ngày cuối tháng 8, những đợt gió chướng từ biển thổi vào mang theo những ngọn sóng cao ngất, từng mảng cát lớn lại bị sóng kéo trôi tuột ra biển. Trầm ngâm nhìn mặt biển mù sương, ông Lê Kiên (60 tuổi) ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), nói chắc: “Mùa mưa bão đang cận kề, dân ở đây lại canh cánh nỗi lo sạt lở”.
Móc ruột biển
Cần cẩu được gắn gàu múc như những cánh tay khổng lồ vươn ra mặt biển thả ầm xuống. Biển như rùng mình, nước bắn tung tóe, những vòng tròn sóng lan xa, gấp gáp và dồn dập. Những chiếc gàu ngoặm sâu vào lòng biển và được kéo lên khi bên trong gàu đã đầy cát. Cát được chuyển lên sà lan ngay cạnh đó, tiếp tục được chuyển sang tàu tải trọng lớn đang đậu ngoài khơi xa. Từ những con tàu ấy, cát từ ven các làng biển Việt Nam sẽ được xuất qua Singapore để nước này thực hiện dự án lấn biển, mở rộng diện tích. Riêng tại Cửa Đại (xã Nghĩa An), gần 5 tháng nay, 20 chiếc máy múc cát như vậy hoạt động liên tục 24/24 giờ. “Nhà nước cho thì họ làm. Nhưng làm như thế nào để dân yên tâm. Chứ mùa mưa bão đang đến, nhà dân ở gần biển dễ sạt lở trôi ra biển lắm” - ông Kiên lo lắng.
Về đêm, Cửa Đại như thành phố trên biển. Đèn điện trên những chiếc cẩu, tàu, sà lan sáng lung linh. Tiếng máy nổ giòn tan vang xa, cả vịnh biển nhộn nhịp. Việc tận thu cát lại càng trở nên gấp gáp hơn. Tại khu vực này các Công ty CP Trường Phát Lộc, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Ngọc Việt được nạo vét thông luồng, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu, cộng với một dự án tại cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn) với tổng khối lượng nạo vét lên đến trên 70 triệu m³.
Cách Cửa Đại không xa, chạy chừng 20km theo đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh là Cửa Lở xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức) cũng đang được tận thu cát nhiễm mặn để nạo vét, thông luồng. Người dân thôn An Chuẩn đã qua bao mùa mưa bão, chứng kiến làng mạc, những rừng dương chắn gió, chắn cát trôi ra biển. Bà Nguyễn Thị Lợi (72 tuổi) móm mém bảo, trước nhà bà cách nơi ở hiện tại hơn 300m ra phía biển. Vài năm trở lại đây, biển cứ “dồn” dân lùi vào sâu bên trong. Mất đất, mất làng, kêu miết lãnh đạo địa phương, huyện và tỉnh xây kè bảo vệ nhưng cứ rơi vào thinh không. “Xã đã nhiều lần kiến nghị nếu cho tận thu cát nhiễm mặn phải có phương án bảo vệ đất đai, nhà cửa của dân bằng cách xây kè. Nhưng cát thì vẫn hút mà bờ kè chẳng thấy đâu” - Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Thanh Phách cũng trăn trở không kém.
Bài học từ Saphia
Năm 2008, khi thực hiện nạo vét Cửa Lở, doanh nghiệp Saphia hứa khá hoành tráng về việc tái đầu tư cũng như cam kết bảo vệ môi trường, nhưng “hậu quả” mà doanh nghiệp này gây ra khiến người dân ở đây lãnh đủ. Ông Ngô Sơn, thôn Kỳ Tân cho biết: “Hồi đó, người dân phản đối dữ lắm, nhưng lãnh đạo địa phương nói dự án không ảnh hưởng gì đến môi trường... Ai ngờ, sau một năm đưa tàu lớn đến hút cát, cửa biển chưa thông, nhưng bờ biển sạt lở từng ngày. Bây giờ tỉnh lại cho nạo vét thì nhà cửa của chúng tôi sẽ trôi ra biển thôi” - ông Sơn bức xúc. “Trước đây, doanh nghiệp Saphia bán 580.000m³ cát, doanh thu 2,9 triệu USD, nhưng không thực hiện cam kết với dân, cũng không nộp thuế cho nhà nước. Hiện doanh nghiệp này còn nợ tỉnh 14,8 tỷ đồng tiền thuế, phí và lệ phí. Khi dự án ngừng, doanh nghiệp “lặng tăm” và “xù” luôn các khoản nợ, cơ quan chức năng đành bó tay” - ông Trần Văn Độ, Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết.
Để giảm những băn khoăn, lo lắng của người dân, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, trấn an: “Phải thận trọng rút kinh nghiệm từ dự án Cửa Lở của Saphia. Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp phải điều chỉnh dự án cho phù hợp với thực tế. Trong đó, vấn đề sở quan tâm là phải đánh giá đúng mức độ trượt mái bờ sông, bờ biển trước, trong và sau khi nạo vét. Cùng với đó phải giám sát chặt chẽ khối lượng cát được nạo vét, có thể thành lập tổ giám sát cộng đồng ở địa phương. Bởi trước đây ở Cửa Lở giám sát không chặt nên không biết doanh nghiệp lấy bao nhiêu cát. Nay thực hiện dự án phải đúng nghĩa là nạo vét chứ không phải là khai thác cát”.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Mỹ Liên, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng mục đích của dự án là nạo vét, thông luồng rồi mới tận thu cát nhằm tránh tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vì lợi ích mà doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường là không được. Để giám sát doanh nghiệp, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, nhất là phải có người giám sát, nếu vấn đề phức tạp thì thành lập tổ giám sát cộng đồng. Bởi, nếu không giám sát thì khó biết được doanh nghiệp có làm theo phương án: đoạn nào nạo vét trước, đoạn nào sau, lấy ở độ sâu bao nhiêu, lấy như thế nào.
Và khi phương án giám sát vẫn còn đang bàn thì cát vẫn lên tàu rời xa đất nước để lại những nét âu lo trên khuôn mặt những người dân!
HÀ MINH