Tân đặc khu trưởng Hong Kong

Tăng Âm Quyến

Tăng Âm Quyến

Ngày 16-6-2005, ông Tăng Âm Quyến (Donald Tsang Yam Kuen) đã chính thức đắc cử ghế đặc khu trưởng Hong Kong, thay ông Đổng Kiến Hoa (từ chức ngày 12-3-2005). Từng học Đại học Harvard (Mỹ) lấy bằng thạc sĩ quản trị hành chính và có ba bằng tiến sĩ tại Đại học Trung Quốc-Hong Kong, Đại học Bách khoa Hong Kong và Đại học Hong Kong, Tăng Âm Quyến được đánh giá cao hơn người tiền nhiệm họ Đổng và tất nhiên được Chính phủ Bắc Kinh tin cậy. Trả lời phỏng vấn CNN, ông Tăng đã nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển kinh tế Hong Kong trong nhiệm kỳ của mình.

Tăng Âm Quyến ảnh 1

Tân đặc khu trưởng Hong Kong Tăng Âm Quyến.

Sinh năm 1944 trong gia đình Công giáo toàn tòng (bố là cảnh sát), Tăng Âm Quyến không là gương mặt lạ trong bộ máy chính quyền Hong Kong. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Trung học Wah Yan (Hong Kong) năm 1964, Tăng làm nghề bán hàng trong một thời gian ngắn trước khi bắt đầu trở thành “công bộc” vào năm 1967 với nhiều vị trí khác nhau, từ tài chính, mậu dịch đến hoạch định chính sách liên quan đến tiến trình chuyển giao Hong Kong từ Anh cho Trung Quốc.

Năm 1977, Tăng Âm Quyến làm việc tại Ngân hàng Phát triển châu Á ở Manila, đặc trách nghiên cứu phát triển nước sinh hoạt và xe lửa tại Philippines và Bangladesh. Đầu thập niên 1990, với tư cách tổng giám đốc đặc vụ mậu dịch, Tăng xem xét tất cả vấn đề đàm phán mậu dịch tại Hong Kong. Tháng 5-1993, Tăng Âm Quyến được bổ nhiệm bộ trưởng ngân khố. Tháng 9-1995, Tăng được đề bạt lên bộ trưởng tài chính – người gốc Hoa đầu tiên được giao nhiệm vụ này tại thuộc địa Hong Kong. Trước khi Hong Kong chuyển giao cho Trung Quốc không lâu, Tăng được Vương quốc Anh phong tước hiệp sĩ.

Tên tuổi Tăng Âm Quyến từng trở thành tiêu điểm thời sự báo chí vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Dùng 118,1 tỉ đô la Hong Kong (15,2 tỉ USD) trong ngân sách chính quyền, Tăng mua loạt cổ phần chứng khoán Hong Kong, giúp tránh hoảng loạn thị trường tài chính. Năm 1999, cũng Tăng chứ không ai khác đã chủ trương mời Disneyland sang đầu tư (công viên chủ đề Disneyland-Hong Kong dự kiến mở cửa đầu tháng 9-2005).

Tại một vùng đất nơi kinh tế đóng vai trò đầu tàu như Hong Kong, tiếng nói của giới doanh nhân hẳn nhiên là quan trọng. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Tăng Âm Quyến được ủng hộ mạnh từ Stanley Ho – chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư bất động sản. Chủ tịch Gordon Wu (tập đoàn Hopewell Holdings Ltd) cũng đứng sau lưng Tăng. Và Tăng Âm Quyến cũng được Chính phủ Bắc Kinh đánh giá cao thời gian gần đây.

Tăng Âm Quyến ảnh 2

Sau cú sốc tài chính 1997, Hong Kong lại bắt đầu chuyển mình.

Tháng 9-2004, tại lễ kỷ niệm 5 năm chuyển giao Macao cho Trung Quốc, nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã tỏ ra thân mật với Tăng (điều này không lọt khỏi quan sát báo chí – theo Asia Times) hơn là với nhiều viên chức Hong Kong khác.

Cần nói thêm, tiến trình chuyển giao quyền lực tại Hong Kong xảy ra vào thời điểm kinh tế Hong Kong đang hưng thịnh. Một trong những nguyên nhân đầu tiên đưa nền kinh tế Hong Kong phát triển nhanh chóng là quan hệ làm ăn thuận lợi với Hoa lục.

Các công ty Hong Kong hiện đầu tư hơn 240 tỉ USD vào Trung Quốc đại lục, đem lại công ăn việc làm cho hơn 12 triệu người Hoa lục. Và Hoa lục cũng là đối tác lớn nhất của Hong Kong. Mậu dịch hai chiều đã đạt 232 tỉ USD năm 2004, với hơn 2.000 công ty Hoa lục làm ăn tại Hong Kong. GDP Hong Kong đã vọt lên 8,4% vào năm 2004 và có thể tăng hơn 6,7% trong năm nay.

Chỉ số chứng khoán Hang Seng đã tăng 22% trong 12 tháng qua. Tình trạng thất nghiệp giảm, từ đỉnh điểm 8,8% năm 2003 xuống còn 5,9% hiện tại. Sinh viên tốt nghiệp hy vọng có thể tìm được việc làm với mức lương khởi đầu 15.400 USD/năm (tăng 20% so với năm 2004) – theo Đại học khoa học-kỹ thuật Hong Kong.

Theo BusinessWeek, Chính phủ Bắc Kinh đã tạo nhiều điều kiện cho chính quyền Hong Kong trong đó có chính sách tinh giản thủ tục du lịch cho người Hoa lục đến Hong Kong. Kết quả, số du khách Hoa lục sang Hong Kong đã tăng 44% vào năm 2004, lên khoảng 12,24 triệu lượt người. Du khách Hoa lục chiếm 12% trong tổng doanh số bán lẻ tại Hong Kong, tăng 5% so với năm 2000 – theo khảo sát của Goldman, Sachs & Co.

Phần mình, Hong Kong vẫn duy trì thế đứng là trung tâm dịch vụ tài chính của Hoa lục. Ngân hàng đầu tư, công ty luật và công ty kiểm toán tiếp tục vã mồ hôi phục vụ khách hàng Trung Quốc đại lục. Và Hong Kong vẫn là điểm đến an toàn cho các công ty Trung Quốc tìm kiếm vốn đầu tư, bằng hình thức bán cổ phiếu. Năm 2004, 44 công ty Trung Quốc đã có tên trong danh sách thị trường chứng khoán Hong Kong, thu được nguồn vốn trị giá 9,76 tỉ USD. 

HOÀNG MINH

Tin cùng chuyên mục