Theo đó, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố, đăng ký bản công bố; sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Bên cạnh đó, tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm (hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng).
Đồng thời tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài; trên internet và môi trường mạng; lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc các nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong năm 2021, đơn vị đã hậu kiểm 376.426 cơ sở, đã xử lý 22.512 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 109 tỷ đồng; giá trị tang vật thu giữ trên 20,5 tỷ đồng; đình chỉ 172 sản phẩm; tiêu hủy 1.697 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...); khởi tố 11 vụ, 16 đối tượng.