Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia và đại diện từ các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức người khuyết tật, giới nghiên cứu, phụ huynh và trẻ khuyết tật.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Giáo dục cho trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hội thảo là một diễn đàn ý nghĩa để từ đó có những giải pháp giúp tăng cơ hội tiếp cận, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật ở mỗi quốc gia, đáp ứng yêu cầu của luật pháp các nước thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống hiếu học, truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, luôn quan tâm, chăm lo bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt là những trẻ em bị thiệt thòi, trẻ khuyết tật. Điều này đã được thể hiện trong Hiến Pháp của Việt Nam, Luật giáo dục, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật...
"Riêng Bộ GD-ĐT, thời gia qua cũng đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ về giáo dục đối với trẻ khuyết tật; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình, đề án hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tăng cường cơ sở vật chất, tài liệu, trang thiết bị dạy học đặc thù; thúc đẩy việc thành lập, hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập... Đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc xây dựng một môi trường giáo dục chất lượng, bình đẳng và thân thiện đối với trẻ khuyết tật”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.