Tăng giá thu gom rác: Cần hợp lý và đồng bộ

TPHCM đang xây dựng bảng giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt theo khối lượng và có lộ trình tăng giá qua các năm để đảm bảo tính đúng, tính đủ các công đoạn theo quy định. Việc điều chỉnh mức phí vệ sinh môi trường theo lộ trình sẽ góp phần giảm chi cho ngân sách thành phố, nhưng liệu có thêm gánh nặng cho người dân?

Thu gom rác sinh hoạt tại đường Phạm Văn Chí, quận 6, TPHCM
Thu gom rác sinh hoạt tại đường Phạm Văn Chí, quận 6, TPHCM

Mỗi nơi mỗi giá

Chị Trần Thị Hoa, ở đường số 5, phường An Khánh, TP Thủ Đức (TPHCM), cho biết, từ đầu năm 2023, phí thu gom rác của gia đình chị là 70.000 đồng/tháng, tăng 20.000 đồng so với trước. Lý do được người thu gom giải thích là tăng giá theo quy định, lộ trình của thành phố. Mặc dù câu trả lời khá rõ ràng nhưng chị Hoa vẫn còn băn khoăn, liệu ở các quận, huyện khác, người dân có trả tiền rác giống mình không?

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, giá thu gom, vận chuyển rác ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố không có sự đồng nhất nếu không nói là khá rối rắm. Sự thống nhất, giống nhau có chăng chỉ nằm ở mỗi chữ “tăng” so với năm 2022 mà thôi.

Tại quận Phú Nhuận, mức thu hiện tính cho mỗi hộ/tháng dao động từ 70.500- 100.000 đồng (bao gồm giá thu gom tại nguồn 50.000 đồng cộng giá vận chuyển 20.500 đồng khi lượng rác thải dưới 125kg). Mức thu năm 2022 là 63.500 đồng và dự kiến đến năm 2025 mức thu sẽ là 83.500 đồng.

Tại huyện Bình Chánh, mức giá đang áp dụng là 87.000 đồng (tăng 14.000 đồng so với năm 2022), đến năm 2025 dự kiến mức thu là 114.000 đồng/hộ/tháng. Tương tự, ở quận Gò Vấp, mức thu từ 128.000-171.000 đồng (giá thu tại nguồn là 91.000 đồng, giá vận chuyển 37.000 đồng khi nguồn thải phát sinh dưới 250 kg).

Ở huyện Hóc Môn, giá thu hiện là 61.000 đồng (gom tại nguồn 46.000 đồng, giá vận chuyển 15.000 đồng), trong khi năm 2022 con số này là 56.000 đồng.

Một số ý kiến cho rằng, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hiện không phù hợp với yêu cầu xử lý chất thải công nghệ cao. Việc điều chỉnh giá được xem là nền tảng để tạo nội lực cho thành phố nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TPHCM), cho biết, từ tháng 3-2023, UBND TP Thủ Đức đã ban hành giá, mức giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2023-2025. Theo đó, giá dịch vụ thu gom tại nguồn bằng phương pháp thủ công là 364 đồng/kg; giá dịch vụ vận chuyển 148,2 đồng/kg; đến năm 2025 giá vận chuyển sẽ tăng lên 247 đồng/kg… Việc thu thêm giá vận chuyển sẽ góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc xả rác.

Ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cũng đồng thuận, việc tăng giá sẽ góp phần thay đổi ý thức người dân trong việc xả rác theo nguyên lý xả rác càng nhiều, trả phí càng cao.

Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, hiện nay các địa phương đang dựa vào Quyết định 38/2018/QĐ-UBND và Quyếtđịnh 20/2021/QĐ-UBND của UBND TPHCM để làm cơ sở xây dựng bảng giá thu gom phù hợp với từng địa phương.

Việc tăng giá thu gom là theo lộ trình của thành phố và con số này sẽ tăng theo từng năm. Sở dĩ, mỗi địa phương đang ban hành bảng giá thu gom, vận chuyển khác nhau là do khác về phương tiện thực hiện, cự ly vận chuyển, khối lượng vận chuyển, giá trúng thầu công tác vận chuyển. Như vậy, dù sống cùng một thành phố, nhưng người dân phải chấp nhận chuyện khác biệt ở mức giá thu gom và vận chuyển rác.

3 phương án thu phí

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, với mức giá đang áp dụng, người dân chỉ trả cho công tác thu gom tại nguồn, trả một phần cho vận chuyển còn chuyện xử lý rác là thành phố vẫn đang lo. Định hướng chung là thành phố ban hành giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý theo khối lượng và thiết lập lộ trình tăng giá qua các năm để đảm bảo tính đúng, tính đủ các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt.

Liên quan đến thu phí rác, Sở Tài chính TPHCM cung cấp một góc nhìn khác: mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, tính ra, chỉ riêng công tác xử lý, mỗi năm thành phố phải chi hơn 1.700 tỷ đồng; còn nếu tổng cộng chung cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thì mỗi năm thành phố chi khoảng 3.000 tỷ đồng. Như vậy, phí thu gom rác từ người dân mới chỉ đủ bù cho công tác thu gom tại nguồn và một phần chi phí vận chuyển, tức thành phố đang phải chi hơn 50% ngân sách cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Mới đây, khi Sở TN-MT TPHCM báo cáo về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở TN-MT tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan. Từ đó hoàn thiện các phương án triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố theo 3 phương án.

Cụ thể, phương án 1 là UBND TP ban hành mức giá cụ thể dịch vụ theo phương thức mức giá bình quân chung trên toàn địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, các quận, huyện và TP Thủ Đức đồng ý áp dụng hoặc xây dựng, trình UBND TP ban hành giá cụ thể để triển khai tại địa phương.

Phương án 2 là UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tự xây dựng và trình UBND TP ban hành mức giá cụ thể để áp dụng cho địa phương.

Phương án 3 là UBND TP ban hành mức giá cụ thể dịch vụ theo phương thức mức giá bình quân theo hướng phân vùng để áp dụng cho từng khu vực có tính chất tương đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, Sở TN-MT đã chuẩn bị dự thảo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Nội dung này sẽ được trình UBND TPHCM trong quý 1-2024 để ban hành áp dụng.

Tin cùng chuyên mục