Tăng giải pháp phát triển bền vững cho gạo Việt Nam

Ngày 19-9, trong khuôn khổ giao thương xúc tiến thương mại do Bộ Công thương triển khai với các tập đoàn bán lẻ toàn cầu như Central Retail, Amazon, Walmart, Aeonmall… nhiều nhà thu mua toàn cầu đã đề cập sự cần thiết phải giảm phát thải cho hạt gạo Việt Nam.

Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trồng và chế biến lúa gạo vừa là “nạn nhân” vừa là “thủ phạm” góp phần biến đổi khí hậu. Ước tính chưa đầy đủ, lĩnh vực trồng trọt và sản xuất lúa gạo chiếm 10% lượng khí thải metan toàn cầu và 25-33% khu vực Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam, trồng trọt và sản xuất lúa gạo đang tạo ra trên 29 triệu tấn rơm rạ và hơn 80% số này bị đốt trên đồng sau khi thu hoạch. Điều này làm phát thải lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT đã phối hợp WB triển khai đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ĐBSCL. Việc canh tác này sẽ được áp dụng quy trình bền vững, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường, giảm thiểu sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật…

Sản phẩm lúa gạo Việt Nam hấp dẫn nhà thu mua thế giới

Sản phẩm lúa gạo Việt Nam hấp dẫn nhà thu mua thế giới

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam, cho biết với quy trình canh tác trên, trung bình 1ha lúa, Việt Nam sẽ giảm được 8 tấn CO2 tương đương trong một năm. Nếu mở rộng toàn ĐBSCL thì giảm khoảng 10 triệu tấn CO2 tương đương trong một năm. Con số này khá lớn và đóng góp quan trọng vào mua bán khí carbon tại Việt Nam.

Đồng thuận, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho hay, ngoài những giá trị tăng thêm do bán chứng chỉ cacbon, sản phẩm lúa gạo Việt Nam còn được nâng cao giá trị khi xuất khẩu. Được biết, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,9 triệu tấn gạo, đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ 2022.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết thêm, đơn vị luôn dành nguồn lực đặc biệt để cho vay tài trợ trung và dài hạn đối với các dự án xanh. Trong đó, tập trung các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh và xử lý môi trường.

Hiện tín dụng xanh đang là chủ đề được quan tâm, ưu tiên, đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư vào công trình xanh, phương tiện giao thông điện và nông nghiệp sạch… đang là các xu hướng thị trường tín dụng xanh hướng đến, nhằm hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Tin cùng chuyên mục