Tại cuộc họp, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, khó khăn mà DN xuất khẩu gặp phải là thiếu dự báo xu hướng thị trường và khó tiếp cận nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu, nhất là nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ khu vực thị trường Trung Đông, châu Phi. Mặt khác, tại thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, DN xuất khẩu đang có nguy cơ đối mặt với hàng loạt vụ tranh chấp thương mại. Trong khi đó, năng lực ứng phó của DN yếu, việc tranh chấp kéo dài gây nhiều thiệt hại dù thắng hay thua kiện.
Nhiều DN kiến nghị các cơ quan đại diện nước ngoài, tham tán thương mại cần nắm bắt nhu cầu thị trường để có định hướng sản xuất, xuất khẩu kịp thời cho DN. Quan trọng hơn, hỗ trợ pháp lý, giúp DN đánh giá tính khả thi khi theo đuổi các vụ kiện về tranh chấp thương mại với đối tác nước xuất khẩu, giảm thiểu thiệt hại cho DN trong nước nếu có.
Liên quan đến những đề xuất trên, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cho rằng, DN xuất khẩu cần có sự liên kết cùng nhau để xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường. Chiến lược này phải cụ thể, rõ ràng bởi đây là cơ sở cần thiết để xây dựng giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương đang xây dựng cổng thông tin cơ sở dữ liệu thị trường nước ngoài. Trong đó, phát huy tối đa lợi thế công nghệ và thông tin từ cộng đồng người Việt Nam đang công tác, làm việc tại nước ngoài có kiến thức, am hiểu về thị trường để hỗ trợ thông tin cho DN mở rộng thị phần xuất khẩu.
Cùng ngày, tại cuộc họp tận dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam - châu Âu trong lĩnh vực da giày, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành da giày cần phải định vị lại thị trường xuất khẩu để ngăn nguy cơ giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê từ Hiệp hội Da giày Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt khoảng 12 tỷ USD - bằng năm 2014.
Lý giải nguyên nhân trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến người tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, châu Âu thắt chặt chi tiêu và hiện chưa có dấu hiệu phục hồi thị trường. Tình trạng này nếu còn kéo dài sẽ rất khó để doanh nghiệp trụ vững.
Trước thực tế trên, các tham tán thương mại tại Bỉ, Áo, Pháp… cho rằng, sản phẩm xuất khẩu nên đi sâu vào thiết kế và thương hiệu thay cho gia công đơn thuần. Quan trọng hơn, các yêu cầu của EVFTA về nguồn gốc xuất xứ rất nghiêm ngặt nên các doanh nghiệp cần tính đến việc giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc… do những quốc gia này chưa có hiệp định FTA với EU và sẽ không được hưởng ưu đãi thuế theo quy định của EVFTA.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng. Song song đó, cần tính đến liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, tận dụng tối đa lợi thế thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường EU.