Tăng mức phạt, vẫn không ngăn được buôn lậu thuốc lá?

Tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới Tây Nam đang làm thất thu thuế mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Nghị định của Chính phủ ra đời với mức phạt nặng hơn dành cho người buôn lậu, tổ chức buôn lậu thuốc lá nhưng qua thực tế tại tỉnh Tây Ninh trong năm 2016 thì tình hình buôn lậu vẫn không giảm. 

Tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới Tây Nam đang làm thất thu thuế mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Nghị định của Chính phủ ra đời với mức phạt nặng hơn dành cho người buôn lậu, tổ chức buôn lậu thuốc lá nhưng qua thực tế tại tỉnh Tây Ninh trong năm 2016 thì tình hình buôn lậu vẫn không giảm. 

Cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre tiêu hủy thuốc lá nhập lậu

Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tây Ninh, năm 2016 toàn tỉnh đã kiểm tra 719 vụ, phát hiện vi phạm 712 vụ, gồm 347 vụ vận chuyển và 365 vụ mua bán thuốc lá, đã xử phạt tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, tịch thu 135.775 gói thuốc lá điếu nhập lậu và 118 xe mô tô...

Do biện pháp chế tài xử phạt tăng nên so với năm 2015 số tiền xử phạt cũng tăng gần gấp đôi, nhưng số vụ vi phạm không hề giảm mà còn tăng thêm 81 vụ (12,83%). Địa bàn chính của buôn lậu thuốc lá điếu vẫn là 3 xã phía Tây của huyện Trảng Bàng là Phước Chỉ, Phước Lưu và Bình Thạnh, nơi tiếp giáp tỉnh Long An, có đường biên giới với Campuchia và gần thị trường tiêu thụ chính là TPHCM.

Theo quy định tại Điều 25, Nghị định 124/CP thì mức xử phạt hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu đã tăng lên.

Cụ thể, hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 500 bao (gói) trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính (luật trước đây quy định buôn bán 1.500 gói thuốc lá lậu trở lên mới bị xử lý hình sự). Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng. Các mức phạt cho hành vi buôn bán, vận chuyển dưới 500 gói cũng tăng lên đáng kể.

Nhờ mức phạt tăng nặng cả hành chính lẫn truy tố hình sự nên số lượng các vụ vận chuyển, buôn bán lớn giảm rõ rệt, nhưng giới buôn lậu đã đối phó bằng hình thức vận chuyển nhỏ hơn 500 gói để khỏi bị truy tố và hoạt động ngày càng tinh vi hơn như “cắt cử người theo dõi, khi bị phát hiện truy đuổi thì quăng bớt” nên số vụ nhỏ lẻ vẫn không giảm. Còn các hộ buôn bán cũng chủ trương cất giữ dưới 500 gói để khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình là hộ kinh doanh tạp hóa Lê Thị Ngọc Diệp ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng cất giữ 418 gói, bị xử phạt mức 60 triệu đồng. Các trường hợp bị phát hiện với số lượng lớn hơn, các đối tượng đều “bỏ của chạy lấy người”. So với năm 2015, số vụ vắng chủ dạng này đã tăng đáng kể, từ 303 vụ lên 345 vụ trong năm 2016 (tương ứng 13,86%).   

Lý giải cho tình trạng này, ông Phạm Văn Quan (Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng QLTT tỉnh Tây Ninh) cho rằng: Chủ yếu vẫn là lợi ích kinh tế. Buôn lậu thuốc lá mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương nên có sức hút. Bên cạnh việc tăng chế tài xử phạt thì giải pháp lâu dài, căn cơ nhất vẫn là giải pháp kinh tế, tức tạo việc làm để tạo thu nhập cho người dân sống ở vùng biên giới với nước bạn Campuchia.

Một vướng mắc nữa mà các địa phương như Tây Ninh, Long An đang gặp phải, đó là sự vênh nhau của các luật hiện hành. Theo Luật Thương mại thì thuốc lá là mặt hàng cấm, trong khi theo Luật Đầu tư thì đây là ngành kinh doanh có điều kiện nên không thể truy cứu hình sự người buôn bán thuốc lá lậu. Chính vì vướng mắc này nên nhiều vụ việc QLTT chuyển qua cho cơ quan công an vẫn đang phải chờ hướng dẫn của Trung ương mới xem xét truy tố được.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục