Nếu như được sơ chế sạch tại nguồn cung cấp thì rác nông sản sẽ được dùng tái chế thành phân vi sinh phục vụ lại cho nông nghiệp, tạo công việc làm tại địa phương và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Ban quản lý Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, mỗi ngày có khoảng 70 tấn rác thải nông sản, chủ yếu từ cải thảo, bắp sú, củ cải trắng, cà rốt, thơm... và tốn chi phí thu gom và thuê đơn vị vận chuyển khoảng 320 triệu đồng/tháng. Đó cũng là tình cảnh diễn ra chung ở các chợ đầu mối khác như Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn có khoảng 80 tấn rác/ngày, tốn 160 triệu đồng/tháng cho khâu thu gom và vận chuyển; chợ đầu mối Bình Điền trung bình có khoảng 100 tấn rác thải/ngày, trong đó có 70% từ nông sản.
Trước thực trạng trên, vào giữa tháng 3-2018, Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức đã thí điểm quy định một số loại nông sản phải được làm sạch đất trước khi vào chợ. Một số thương nhân cho hay, sau khi tập kết hàng hóa về chợ phải tạm thời dùng xe nhỏ chở vào nhà dân xung quanh để sơ chế trước khi chuyển vào chợ. Tuy nhiên, việc làm này lại dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước rửa nếu chưa được xử lý. Một thương nhân trong chợ đầu mối cho hay, sau khi truyền đạt thông tin từ ban quản lý chợ đến đơn vị cung cấp tại nguồn thì nhận được sự phản ứng kịch liệt. Nếu như đồng thuận theo ban quản lý chợ sẽ giảm nguồn hàng hoặc cung cấp cho các thương nhân khác hoạt động bên ngoài chợ vì sau khi sơ chế xong đều bị hao hụt hơn 30%, còn phải tốn chi phí nhân công sơ chế. Nếu được việc sơ chế tại nguồn thì chỉ việc sắp xếp hàng hóa giao cho tiểu thương, nhưng việc này phải có quy định từ cơ quan nhà nước chứ thương nhân không thể làm được. Quan trọng là đa số thương lái đều không có nhà sơ chế mà chỉ thu mua lên xe rồi chở đi ngay. Nếu làm vậy phải tốn thêm nhiều khâu và đóng thùng vận chuyển thay vì bỏ sản phẩm vào bao ni lông, bao cước để tránh hư hỏng.
Chị Hà - một thương nhân cho biết, nếu như trái thơm sơ chế sạch thì vận chuyển chắc chắn sẽ giập và khi gọt vỏ phải cho ngay vào túi ni lông để tránh gió vào làm thâm trái. Còn cải thảo, bắp sú cho dù sơ chế sạch vẫn bị giập khi vận chuyển, nên về đến chợ phải sơ chế lại. Trong khi đó, nếu để nguyên “hiện trạng”, khách khi mua thấy củ cải trắng, cà rốt còn cuống lá, dính đất thì mới tin là hàng Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc trà trộn.
Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã có buổi làm việc với các chợ đầu mối về việc xử lý thực trạng lượng rác nông sản sau khi sơ chế về chợ quá lớn, gây ô nhiễm môi trường, tốn chi phí và lãng phí nguồn rác hữu cơ. Đại diện các chợ đề nghị Sở Công thương TPHCM phối hợp sở công thương các tỉnh về việc sơ chế nông sản sạch trước khi chuyển vào TPHCM và phải triển khai cùng thời điểm.
Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức đã có buổi làm việc riêng với Sở NN - PTNT tỉnh Lâm Đồng về việc này và được sự đồng thuận, ủng hộ. Theo kế hoạch, vào giữa tháng 4 này sẽ tiến hành thí điểm mặt hàng cải thảo để từng bước nhân rộng sang các loại nông sản khác. Đồng thời, kiến nghị với UBND quận Thủ Đức xử lý các nhà dân xung quanh sơ chế sai quy định gây ô nhiễm môi trường. Đại diện Chợ đầu mối Bình Điền cho hay, nông sản sơ chế tại nguồn sẽ giảm áp lực cho các chợ đầu mối nói riêng và TPHCM nói chung. Không có chuyện sau khi sơ chế sẽ tăng giá, đó là cách nói của thương lái để tạo dư luận, tránh việc tạo áp lực cho mình. Nếu sơ chế tại nguồn sẽ có nhiều cái lợi như tăng công việc làm tại địa phương. Nếu sơ chế trước, sản phẩm đạt con số thực tế hơn, thay vì chở 10 tấn sản phẩm thô thì sau khi sơ chế chỉ còn 6 tấn, giảm chi phí vận chuyển. Rác nông sản là rác hữu cơ có thể chế tạo thành phân vi sinh để bán lại cho nông dân, giúp tạo nguồn thu, thay vì chuyển về TPHCM phải xử lý rồi bỏ. Từ những yếu tố trên, giá thành nông sản khi về TPHCM vẫn như cũ mà thương nhân không phải tốn nhiều công sức. Tuy nhiên, khó khăn là nhà sơ chế phải đạt tiêu chuẩn môi trường và cần phải đầu tư chi phí rất lớn, nhưng bù lại sẽ có lợi lâu dài.