Về cơ bản, ở Việt Nam, chỉ cần kết nối mạng (cả cố định lẫn di động) đều có thể truy cập và tham gia những mạng xã hội như: Facebook, Google, YouTube, Twitter… Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động đã và đang triệt để lợi dụng các phương tiện này, nhất là mạng xã hội để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong thời điểm cả nước tích cực thực hiện Chỉ thị số 35 (ngày 30-5-2019) của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động tăng cường tung thông tin giả, tin đồn thất thiệt trên không gian internet và mạng xã hội như: “các phe cánh trong Đảng đang thanh trừng lẫn nhau”; “trong Đảng không có dân chủ nên cần phải đa đảng”; xuyên tạc, bịa đặt về đời tư, bôi nhọ thanh danh, uy tín của những cá nhân trong diện “quy hoạch nhân sự”; thổi phồng, bóp méo, bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của Đảng; phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam… Tất cả đều nhằm mục đích làm thất bại Đại hội XIII của Đảng. Cho nên, chúng ta phải hết sức thận trọng, chủ động trong phòng chống tin giả, tin đồn thất thiệt.
Từ cuối năm 2018, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã nhận định: Internet giờ đây không chỉ là một khái niệm công nghệ, môi trường công nghệ, mà đã trở thành một “miền chiến sự”, nơi mà cuộc đấu tranh trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, cần phải thống nhất về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh trên không gian mạng, từ đó xây dựng và phát triển mạnh mẽ lực lượng đấu tranh trên mặt trận này, ngăn chặn và triệt phá kịp thời mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; chủ động, kịp thời định hướng thông tin, đưa thông tin chính thống đến người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị. Chính vì vậy, cùng với việc cảnh giác trước những thông tin xấu, độc, thì cần phải chủ động đấu tranh với những mạng xã hội về những vấn đề này. Sự xuất hiện của hàng loạt trang mạng như danlambao, quanlambao, thongtinquyenluc… trước Đại hội XII của Đảng, đã đem lại cho các cơ quan chức năng nhiều bài học sâu sắc.
Điều nguy hiểm là thông tin giả, tin đồn thất thiệt đưa ra một cách với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước lại được một số người nhẹ dạ cả tin, thiếu bản lĩnh, mất cảnh giác, hoặc vì lý do nào đó mà “vô tình” hay “cố ý” phát tán, chia sẻ, lan truyền. Không ít người cho rằng, mạng xã hội là môi trường “ảo” nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm. Đó là những nhận thức không đúng.
Trước sự tác động đa chiều của thông tin, điều cần thiết hiện nay là tiếp tục nâng cao khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, trước những thông tin giả, tin đồn thất thiệt; giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhận diện, phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại, đồng thời gia tăng “sức đề kháng” trước những thông tin giả, tin đồn thất thiệt.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cần chủ động, kịp thời đưa những thông tin chính thống, đầy đủ, chính xác để cán bộ, đảng viên và mọi người dân có cơ sở phân biệt, nhận rõ những thông tin giả, tin đồn thất thiệt và ngăn chặn tác động tiêu cực của thông tin xấu đó; chủ động công khai, minh bạch thông tin những chủ trương chính sách trong giải quyết các vấn đề có tính nhạy cảm. Thông tin càng cởi mở, kết nối mọi người trong xã hội càng thông suốt thì càng có điều kiện để phòng chống tin giả, tin xấu độc, giúp thông tin chính thống giữ vai trò chủ đạo, định hướng dư luận. Trong đó, báo chí chính thống phải là hạt nhân dẫn dắt thông tin, định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”. Báo chí Việt Nam phải làm chủ trận địa truyền thông, nhanh chóng vạch trần, bác bỏ những thông tin giả, tin đồn thất thiệt trên không gian mạng hiện nay.