Tang thương làng cá bè

Tang thương làng cá bè

Gần một tuần qua, hàng chục hộ dân nuôi cá bè tại phường Thống Nhất (Đồng Nai) chỉ biết ngồi khóc khi bất lực nhìn hàng tấn cá chuẩn bị thu hoạch chết phơi bụng, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng… Không ít gia đình đang lâm vào cảnh vỡ nợ do đã lỡ thế chấp tài sản cho ngân hàng nhưng không có khả năng trả. Điều đáng nói, trong khi hàng chục hộ gia đình đang lâm vào cảnh điêu đứng thì các cơ quan ban ngành của tỉnh vẫn bình chân như vại.

Nhiều người nuôi cá bị trắng tay do cá chết hàng loạt.

Nhiều người nuôi cá bị trắng tay do cá chết hàng loạt.

Hiện người dân đang rất bức xúc và lo lắng cho cuộc sống của mình, bởi tổng thiệt hại quá lớn. Theo thống kê cả 2 đợt số lượng cá chết là 56.000 tấn, số tiền thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP trong 2 ngày 25 và 26-6, một không khí u buồn, hoang mang đang bao phủ khắp nhà bè phường Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Không một tiếng cười, bóng người thưa thớt, người làm cũng bỏ đi nhiều… vì không có việc làm.

 “Nhìn bè cá mà đau lòng. Cả tuần nay, cá bỏ ăn, không lớn và có hiện tượng lờ đờ. Chắc chúng chỉ sống được vài ngày nữa thôi. Vụ thu hoạch này như vậy là trắng tay rồi”, nhiều chủ nhà bè tâm sự mà không giấu được nước mắt. Chị Vũ Thanh Tuyển, một người dân nuôi cá cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần gia đình chị đã mất gần 2 tấn cá. Bao nhiêu tài sản, công sức của hai anh chị bây giờ trôi sông trôi bể cả.

Nhìn những con cá đang độ sinh sôi và sắp cho thu hoạch chết lềnh bềnh trên nước chị không cầm được nước mắt. “Cá chết người cũng đau lắm, biết vậy mà chúng tôi chẳng làm được gì cả. Gõ cửa chính quyền họ chỉ ừ rồi để đó, bao nhiêu thiệt hại chúng tôi gánh cả. Là những người nông dân vốn liếng chẳng có bao nhiêu, bây giờ xảy ra chuyện này chắc gia đình tôi chỉ còn nước đi ăn xin…”, chị Tuyển nói.

Điều nghiêm trọng hơn, với số lượng cá chết nhiều như vậy, người dân không có cách xử lý và rất nhiều hộ chỉ còn biết thả xuống sông. Điều này càng gây hại cho môi trường và cuộc sống người dân các vùng lân cận.

Chị Hạnh (vợ của anh Nguyễn Đình Thắng) ước tính, qua 2 lần gia đình chị bị thiệt hại gần 4 tấn cá. Đặc biệt, số lượng cá kiểng chết nhiều, trong khi giá nhập giống loại này cao, chỉ riêng loại cá kiểng gia đình anh chị mất trên 100 triệu động cộng với thiệt hại của các lồng cá khác đã lên đến gần 200 triệu đồng. Tình trạng này càng kéo dài thì gia đình chị sẽ không có điều kiện để trả nợ…

 Chị cho biết thêm, vào năm 2007 hiện tượng cá chết hàng loạt cũng đã từng xảy ra với các hộ nuôi cá ở đây. Năm ấy anh chị phải bán hết đất ở của mình để trang trải nợ nần, giờ lại dính phải hoàn cảnh này chẳng còn đất mà bán nữa…

Trong số những hộ dân nuôi cá ở đây, thiệt hại nặng nhất là gia đình anh Trần Đức Cần, khi ước tính thiệt hại lên tới 1 tỷ đồng. Khuôn mặt rầu rĩ, anh Cần cho biết, anh đã đầu tư 3 tỷ đồng vào công trình nuôi cá diêu hồng với diện tích là 5.000m². Chỉ trong 2 ngày 23 và 24-6 số lượng cá chết lên tới 6 tấn, ước tính thiệt hại tới 300 triệu đồng. Đó là chưa kể số cá chết ở đợt 1 ngày 6 đến 8-6 vừa rồi.

“Cá chết, nhân công không có việc làm nhưng vẫn phải trả lương… Điều đó khiến anh em chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là vấn đề tài chính, không có tiền trả lãi ngân hàng, đi vay cũng chẳng ai cho vay nữa. Họ sợ mình thua lỗ không có khả năng trả nợ nên cũng sợ… Nếu không có chuyện này xảy ra, chỉ cần 2 tháng nữa là có một vụ cá lớn để bán, có tiền lo nợ nần, bây giờ thì tay trắng…”, anh Cần than thở.

Người dân ở đây cho biết, nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do nước thải của các nhà máy gây ô nhiễm và họ đã nhiều lần gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhưng cho đến nay vẫn không có câu trả lời. Mong sao các ban ngành sớm giải quyết triệt để vấn đề này để người nuôi cá có điều kiện phát triển sản xuất.

Ái Vân – Hà Hải

Tin cùng chuyên mục