“Làm thế nào để người dân tự hào là người của thủ đô Hà Nội, mang trong mình giá trị văn hóa cần phải gìn giữ. Nhân dịp này phải xây dựng đời sống mới, góp phần nhiều hơn cho sự phát triển của Hà Nội trong tương lai”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội nói. Dù còn nhiều công việc phải làm, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng một Hà Nội thật đẹp vào những ngày thủ đô tròn 1.000 năm tuổi.
Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông
Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, UBND TP Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra hoạt động thường xuyên liên tục tới tất cả 29 quận, huyện, thị xã để nắm bắt tình hình và tham mưu cho TP các giải pháp cần thiết.
Giao thông đô thị được xác định là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Những nút giao thông, trục giao thông quan trọng được ưu tiên đầu tư mọi mặt để đẩy nhanh tiến độ. Trục đường chính từ Hà Đông vào trung tâm Hà Nội được lắp đặt hệ thống tín hiệu hoàn chỉnh, bảo đảm không bị ùn tắc, kể cả thời điểm đông người đi lại. Xe buýt được tăng cường nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và sẽ gia cố, nâng cấp thêm đường dành riêng cho xe buýt.
Đoạn đường Cát Linh đến Đê La Thành, thông sang Hoàng Cầu được coi là một trọng điểm, cần đẩy nhanh tiến độ nhằm giảm tải cho tuyến Hàng Bột- Quốc Tử Giám và Giảng Võ- Cát Linh. Các nút giao thông vốn luôn gây ùn tắc tại khu vực cửa ngõ là Ô Chợ Dừa, Giảng Võ đã được “giải cứu” bằng giải pháp dải phân cách “mềm”, các phương tiện tham gia giao thông có thể chậm lại nhưng không bị tắc nghẽn. Đoạn đường từ Cầu Giấy về Cửa Nam cũng sẽ được phân luồng triệt để hơn, bảo đảm không ùn tắc trong giờ cao điểm. Cầu Thăng Long phân tầng xe ôtô, xe máy riêng để bảo đảm lưu thông thông suốt. Từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, các phương tiện sẽ không chỉ lưu thông trên đường qua cầu Thăng Long, mà còn đi vào nội thành qua Cầu Đuống, cầu Chương Dương khi cần thiết.
Chỉnh trang bộ mặt đô thị
Để chấn chỉnh, UBND TP quyết tâm xóa bỏ nạn quảng cáo thiếu trách nhiệm, bôi bẩn các bức tường, các cột điện, những nơi công cộng. Chiến dịch ra quân làm sạch bộ mặt thành phố vừa qua đã thu được kết quả bước đầu, tới đây công việc này sẽ được triển khai quyết liệt hơn.
Việc bán hàng rong, mua bán trên vỉa hè sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Trên tất cả các tuyến phố dẫn đến hồ Gươm, kiên quyết không để tái diễn cảnh mua bán lộn xộn, chiếm vỉa hè, lòng đường.
Những búi dây điện từng được ví như những “mạng nhện” làm mất mỹ quan đô thị, gây nguy hiểm cho người dân đang gấp rút được hạ ngầm. Hà Nội tập trung vào hạ ngầm khoảng 10 tuyến đường dây điện nội đô. Đây được coi là công việc khó khăn nhưng vẫn quyết tâm làm bằng được trước thời điểm diễn ra đại lễ.
Những địa chỉ thu hút đông khách tham quan, như khu vực quanh hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, đường Thanh Niên - hồ Tây - hồ Trúc Bạch, công viên Thống Nhất, vườn thú Hà Nội… sẽ được chăm sóc chu đáo, bảo đảm sạch đẹp, tạo dấu ấn tốt trong lòng du khách.
Mở rộng những điểm tham quan ngoại thành
Đến với Hà Nội dịp đại lễ, du khách không chỉ thăm những địa chỉ quen thuộc nội thành, mà còn được hướng đến những địa chỉ du lịch làng nghề như Bát Tràng, Mông Phụ… Một số làng cổ khác ở các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất sẽ được đầu tư nâng cấp.
Tại Sơn Tây, ngôi thành cổ hàng trăm năm tuổi sẽ là một điểm đến hấp dẫn đã được chỉnh trang phục dựng nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của khởi thủy. Từ thị xã Sơn Tây, lên Ba Vì, hàng loạt địa chỉ du lịch được nâng cấp. Đặc biệt, Vườn quốc gia Ba Vì sẽ hoàn chỉnh hơn bởi hệ thông dịch vụ: nhà hàng, bể bơi ngoài trời, nhà nghỉ.
Dịp đại lễ cũng sẽ tấp nập với những con tàu du lịch nhỏ đưa du khách đi dọc dòng sông Hồng và men theo những bãi bồi. Chỉ trong vòng 1 ngày trên tàu, du khách có thể từ dòng sông đến với đền Đại Lộ, đền Gióng, đền Hai Bà Trưng, đền Chử Đồng Tử- Tiên Dung, chùa Hoa Lâm, làng cổ Bát Tràng… Dịp đại lễ cũng là lúc tiết trời Hà Nội vào thu, rất đẹp nên những chuyến du lịch trên sông Hồng sẽ trở nên vô cùng lý thú.
THIỀU QUANG