Tại Hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý 1-2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11-4, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), nhận định, tăng trưởng kinh tế quý 1-2018 cao hơn so với tiềm năng và vượt hầu hết các mức kỳ vọng (tốc độ tăng GDP quý 1-2018 đạt 7,4%, tăng 2,2% so với năm 2017). Mức tăng trưởng được cải thiện chủ yếu nhờ cán cân thương mại và có thể do nhập khẩu đầu vào từ năm trước chưa sử dụng hết, nên cán cân thương mại thặng dư lớn. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,67%, lạm phát ở mức 3,81%.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, song theo đánh giá của các chuyên gia, đã tăng trưởng quý I chưa hẳn là bền vững, thể hiện qua một số chỉ dấu như đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP có phần giảm, nhập khẩu một số ngành giảm…
Một số giải pháp điều hành giá hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý giá được coi là chưa thật hợp lý, điều hành tài khoá chưa chủ động.
“Tăng trưởng kinh tế quý 1 vượt kỳ vọng song có vẻ như cứ 2 năm quý 1 giảm lại có 1 năm tăng vọt. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện nhiều”, ông Dương thẳng thắn nhận định.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, với đánh giá lạc quan hơn.
Theo ADB, tốc độ tăng trưởng quý 1 càng cao, áp lực tăng trưởng ở các quý tiếp theo và giá cả càng lớn, vì vậy Việt Nam cần chú trọng tăng trưởng bền vững và san sẻ đồng đều qua các quý. Hiện chưa có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng nhưng giá cả đã bắt đầu tăng và lạm phát được dự báo tăng mạnh trong 2 năm tới. Năm 2018, dự báo lạm phát sẽ đạt mức trung bình 3,7%, tăng 0,2% so với năm 2017 và đạt tới 4% trong năm 2019, do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.