
Tiêu hủy nhiều đàn heo
Ngày 27-7, UBND xã Bảo Lâm 1 (tỉnh Lâm Đồng) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tiêu hủy đàn heo 240 con của gia đình ông N.V.T. (thôn 5, xã Bảo Lâm 1) do nhiễm dịch tả heo châu Phi. Trước đó, trang trại của gia đình ông N.V.T. ghi nhận 31 con heo chết với các triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, lờ đờ, khó thở. Sau đó, mẫu heo chết trong trang trại đã được gửi đến Trung tâm Chẩn đoán và xét nghiệm thú y Trung ương II (thuộc Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ NN-MT) đóng tại tỉnh Đắk Lắk để tiến hành phân tích, làm rõ nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm xác định mẫu heo dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.
Tại Vĩnh Long, ngành chức năng vừa phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi tại một hộ chăn nuôi ở ấp Thành Thuận, xã Mỹ Thuận. Đàn heo mắc bệnh có 37 con heo thịt do người dân mua từ một thương lái ngoài tỉnh vào ngày 1-7. Khi phát hiện 8 con trong đàn chết không rõ nguyên nhân, chủ hộ chăn nuôi lập tức báo cơ quan chức năng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán và xét nghiệm thú y Trung ương II lấy mẫu phân tích, kết quả các mẫu đều dương tính với virus dịch tả heo châu Phi. “Toàn bộ đàn heo có tổng trọng lượng hơn 1 tấn đã được ngành chức năng tiêu hủy theo quy trình kiểm dịch. Chúng tôi cũng đã tiến hành khử trùng toàn bộ ổ dịch có diện tích khoảng 2.000m2 và khu vực lân cận”, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Vĩnh Long thông tin. Tương tự, Chi cục Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh vừa cho biết, lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 22 hộ chăn nuôi, thuộc các xã: Tân Hưng, Thạnh Hóa, Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Mộc Hóa và Tân Thạnh, với 717 con heo bị tiêu hủy. Trên địa bàn TP Cần Thơ, từ đầu năm 2025 đến nay, ngành thú y phát hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi, tiêu hủy 52 con.
Ngăn dịch lây lan từ biên giới
Thông tin từ Sở NN-MT tỉnh Tuyên Quang vừa cho biết, hiện dịch tả heo châu Phi đang bùng phát tại một số xã sát biên giới. Cụ thể, cơ quan thú y đã phát hiện virus gây dịch tả heo châu Phi tại các xã Bạch Đích, Cán Tỷ, Tùng Vài, Nghĩa Thuận... Đây là các địa phương nằm sát đường biên với Trung Quốc - nơi người dân hai bên vẫn giao lưu qua lại, buôn bán nhỏ lẻ. Lực lượng chức năng đã phát hiện 129 vụ vi phạm liên quan vận chuyển, buôn bán sản phẩm từ thịt không rõ nguồn gốc qua biên giới. Hiện cơ quan chức năng phía Trung Quốc đang phối hợp chính quyền tỉnh Tuyên Quang triển khai các giải pháp để ngăn dịch lây lan, cũng như kiểm soát mua bán, vận chuyển heo bệnh.
Tại các tỉnh giáp biên giới khu vực phía Nam, dịch tả heo châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp. Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ dịch bệnh lan rộng rất cao, nhất là từ tình trạng heo nhập lậu. Tại Tây Ninh, địa phương có gần 370km đường biên giới, việc ngăn chặn các đối tượng lén lút nhập lậu heo là rất khó khăn. Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Tây Ninh, cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là và quyết tâm không để dịch bùng phát, lây lan diện rộng. Tỉnh đã triển khai cho người nuôi heo ký cam kết phòng, chống dịch theo nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không giết mổ, bán heo bệnh, chết; không buôn bán, sử dụng heo, sản phẩm thịt heo mắc bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không vứt xác heo ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý, chế biến làm thức ăn cho heo. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, dẫn đến dịch bùng phát, lan rộng.
Tại các tỉnh Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, chính quyền địa phương cho biết đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi; chủ động giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý kiểm dịch, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển heo, sản phẩm heo trái phép qua biên giới...
Ngày 27-7, Sở NN-MT TP Cần Thơ cũng cho biết, vừa yêu cầu ngành thú y và các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch tả heo châu Phi phát sinh, lây lan. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ tại các cơ sở; kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật, nhất là với thịt heo và phủ tạng của heo tại các chợ trên địa bàn; phối hợp với các ngành có liên quan kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-MT), trong 7 tháng đầu năm 2025, cả nước đã xảy ra gần 650 ổ dịch tả heo châu Phi tại 30/34 tỉnh, thành phố với tổng số heo mắc bệnh, heo chết, buộc tiêu hủy hơn 43.000 con. Đến nay, cả nước còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Cục Thú y khuyến cáo, dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng gia tăng và nguy cơ lây lan vẫn cao do chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học còn chiếm tỷ lệ cao.