Muốn dẫn dắt vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ cần chú trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông

PGS-TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh băn khoăn vì Cần Thơ hiện chưa có nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ thế giới.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Sáng 28-7, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội (Hà Nội), Thành ủy TP Cần Thơ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội nghị xin ý kiến các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến với dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội với tiêu đề “Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; huy động mọi nguồn lực, không gian, xây dựng và phát triển TP Cần Thơ nhanh, bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc; cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Dự thảo báo cáo chính trị xác định, đến năm 2030, TP Cần Thơ phấn đấu trở thành một cực phát triển của quốc gia, trung tâm động lực của vùng, phát triển nhanh, bền vững, cân bằng tổng thể, toàn diện cả 3 lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

LÂM 28.jpg
PGS-TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh góp ý về dự thảo báo cáo

Góp ý về dự thảo báo cáo, PGS-TS Hoàng Phúc Lâm, cho rằng, sau khi hợp nhất 3 địa phương Sóc Trăng, Hậu Giang, TP Cần Thơ thì TP Cần Thơ mới cần phải trở thành trung tâm động lực của vùng, dẫn dắt cả vùng ĐBSCL dựa trên các thế mạnh của từng địa phương. Muốn vậy, cần chú trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông.

“Hiện tại, hàng hóa lớn từ các tỉnh vẫn phải đưa lên TPHCM để xuất khẩu. Nếu cảng Cần Thơ, cảng Trần Đề (Sóc Trăng trước đây) được đầu tư nâng cấp, kết nối với các tuyến cao tốc, đường sắt tốc độ cao và hàng không, TP Cần Thơ sẽ trở thành đầu mối giao thông quan trọng nhất của cả khu vực ĐBSCL", chuyên gia này nhận xét. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cần nỗ lực để hiện thực hóa chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ TPHCM tới TP Cần Thơ. Đặc biệt, TP Cần Thơ hiện chưa có nhà đầu tư tầm cỡ thế giới. Một khi có các nhà đầu tư chiến lược thì công nhân của TP Cần Thơ có thể làm việc trực tiếp tại vùng, không phải tập trung về TPHCM…

DỰ .jpg
Đại biểu dự hội nghị

Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội), để phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL, cần bổ sung vào văn kiện thêm một số chính sách đặc thù. Đại biểu nhận định, mặc dù trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã có nghị quyết đặc thù phát triển TP Cần Thơ, song các chính sách chưa nhiều, chưa thực sự đột phá. Cùng đó, vấn đề tổ chức thực hiện chưa đạt hiệu quả cao.

Tin cùng chuyên mục