
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam Vũ Đình Đáp cho hay, những quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác các loài thủy sản, đặc biệt là cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis), đã phát sinh những khó khăn và bất cập lớn cho ngư dân và doanh nghiệp.
Cá ngừ vằn là loài phổ biến nhất trong nhóm cá ngừ xuất khẩu, ngư dân đánh bắt bằng lưới vây, số lượng lớn nhưng kích cỡ nhỏ. Quy định nói trên khiến hàng loạt tàu cá phải nằm bờ, ngư dân mất nguồn thu, còn doanh nghiệp chế biến rơi vào cảnh “đói” nguyên liệu. Ông Vũ Đình Đáp thông tin, nhiều nhà máy đã phải giảm tới 50% công suất, thậm chí mất hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng chỉ riêng ở thị trường EU.
Khảo sát của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho thấy, nguồn nguyên liệu giảm 66,7%-87%, đơn hàng giảm tới 87,5%, giá trị xuất khẩu giảm 35%-80%. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ sản phẩm đáp ứng ưu đãi thuế từ EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) đã giảm từ mức 80%-100% trong giai đoạn đầu xuống chỉ còn khoảng 30% hiện nay. Lý do là doanh nghiệp không thể gom đủ nguyên liệu cá trong nước đạt yêu cầu để làm hồ sơ chứng minh xuất xứ. Trong khi đó, EU (thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam) đang dần khép cánh cửa nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ, quy định về kích cỡ không xuất phát từ yêu cầu của EU hay bất kỳ hiệp định thương mại nào, mà lại hoàn toàn do Việt Nam tự đặt ra.
Về vướng mắc này, từ năm 2024 đến nay, Báo SGGP đã nhiều lần phản ánh, và đã có phản hồi từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Thế nhưng sau đó, các quy định vẫn chưa được xem xét sửa đổi, vướng mắc vẫn chưa được cơ quan chức năng vẫn tháo gỡ. Trước tình hình này, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng đề xuất các giải pháp cấp bách: sửa Nghị định số 37/2024/NĐ-CP theo trình tự rút gọn, đơn giản hóa thủ tục truy xuất nguồn gốc để tránh làm tắc nghẽn chuỗi sản xuất, số hóa toàn bộ quy trình chứng nhận giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đồng thời cải thiện tỷ lệ cá ngừ nội địa được hưởng ưu đãi EVFTA. Theo bà Hằng, nếu không tháo gỡ vướng mắc này trong vài tháng tới (tức ngay trong mùa khai thác chính) thì doanh nghiệp sẽ không thể ký hợp đồng cho năm sau.
Ở góc độ Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, ông Vũ Đình Đáp nêu cơ sở quản lý nguồn lợi thủy sản phải dựa trên nguyên tắc linh hoạt, khoa học và sát thực tế. Bên cạnh sửa đổi nghị định, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, giúp ngư dân thay đổi tập quán khai thác theo hướng bền vững mà không bị “sốc” chính sách. Bởi phần lớn ngư dân hiện vẫn chưa được phổ biến đầy đủ các quy định mới, dẫn đến bị động và lo ngại khi ra khơi.
Việt Nam hiện xuất khẩu cá ngừ sang hơn 110 quốc gia, trong đó Hoa Kỳ, EU, Trung Đông và CPTPP chiếm tới 82%-86% tổng kim ngạch. Cá ngừ cũng là nhóm mặt hàng giá trị cao thứ 3 trong xuất khẩu thủy sản. Với đặc điểm nguồn cung phụ thuộc vào ngư dân đánh bắt xa bờ, chuỗi sản xuất cá ngừ rất dễ bị “đứt gãy” khi chính sách thay đổi đột ngột. Nếu các nút thắt không được tháo gỡ kịp thời, ngành cá ngừ (vốn là niềm tự hào của thủy sản Việt Nam) có nguy cơ đánh mất thị trường chiến lược.