Tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm rủi ro cho nông sản

Sầu riêng là loại trái cây thứ 11 của Việt Nam vừa được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch. Theo Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương, Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất trái cây ngon, nên đây là cơ hội để trái cây và nông sản Việt mở cánh cửa xuất khẩu vững chắc sang một thị trường lớn như Trung Quốc. 

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), với xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp hai bên sẽ có hợp đồng và các chứng từ thương mại đi kèm như hóa đơn, vận đơn, kiểm dịch, C/O…; đồng thời giao dịch khối lượng hàng hóa lớn, trị giá cao, thanh toán qua ngân hàng, giao hàng qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, sẽ đảm bảo sự chắc chắn. 

Lâu nay, xuất khẩu tiểu ngạch thì không có hợp đồng, thanh toán bằng tiền mặt, hàng đổi hàng và giao qua cửa khẩu phụ, lối mở nên rất rủi ro. Mùa thu hoạch, các thương lái thường chở hàng lên cửa khẩu rồi mới tìm khách mua. Tuy được gọi  xuất khẩu nhưng thực chất giống như ở chợ vì chưa biết người mua hàng bên kia biên giới. Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu chính ngạch là Hữu Nghị, cửa khẩu tiểu ngạch là Tân Thanh, mỗi ngày năng lực thông quan chỉ được khoảng 250-300 xe. Các loại nông sản chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch muốn sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải đưa qua cửa khẩu này. Nhưng do không có hợp đồng, nên chỉ cần những lý do như cần phong tỏa kiểm soát dịch, đến mùa thu hoạch, lượng xe dồn lên cửa khẩu bất thường… là hàng hóa sẽ bị ùn ứ, phải chờ đợi hàng tuần, hàng tháng mới được thông quan, thậm chí phải quay về.

Mỗi năm Việt Nam đưa sang thị trường Trung Quốc khoảng 3,3-3,5 triệu tấn trái cây tươi. Hiện còn nhiều loại nông sản khác Việt Nam có sản lượng dồi dào nhưng chưa được xuất khẩu chính ngạch, như vú sữa, mãng cầu, bưởi, mận, dứa (thơm)... Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), năm 2022, bộ sẽ đàm phán để có thêm dừa và bưởi xuất khẩu vào Mỹ; phấn đấu đến tháng 9 mở được cửa cho nhãn Việt Nam sang Nhật Bản... 

Tuy nhiên, để nông sản được cấp phép xuất khẩu chính ngạch thì phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và chứng minh được nguồn gốc. Từ năm 2018, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu nông sản nhập khẩu phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Từ đầu năm 2022, xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc buộc phải có nguồn gốc, được Bộ NN-PTNT cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tính đến tháng 3-2022, cả nước đã cấp được 3.646 mã số vùng trồng cho diện tích hơn 197.000ha tại 50 tỉnh, thành và 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho trái cây tươi xuất khẩu. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, cả nước đã cấp mã số cho gần 2.000 vùng trồng. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng sử dụng sai mã số hoặc mượn mã số của tổ chức, cá nhân khác để xuất khẩu, khiến nước nhập khẩu cảnh báo hoặc tạm dừng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của nông sản Việt Nam, có thể làm mất thị trường. 

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2022 (cao hơn 5 tỷ USD so với Chính phủ giao), trong 6 tháng cuối năm, chúng ta cần phải tiếp tục mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU và Trung Đông; đồng thời lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như Nga, ASEAN và châu Phi. Nhưng phải quản lý chất lượng và theo dõi được xuất xứ, quy trình canh tác, tuân thủ đúng cam kết thì chúng ta mới giữ hay mở cửa vào các thị trường này.

Tin cùng chuyên mục