Tạo bước đột phá xây dựng trung tâm đào tạo nghề ĐBSCL tại Cần Thơ

"Lực lượng giáo viên mỏng, đầu tư chưa đúng mức, quản lý còn yếu kém" – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra những tồn tại trong dạy nghề khi dự Hội nghị Tổng kết công tác dạy nghề giai đoạn 2004 - 2007, triển khai nhiệm vụ đến năm 2010 tại TP Cần Thơ, ngày 12-4.
 
Theo UBND Cần Thơ, trong giai đoạn năm 2004 - 2007, TP này đã dạy nghề cho gần 119.000 lao động, bình quân mỗi năm dạy nghề cho hơn 29.700 lao động; tăng bình quân 5,6%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong ngành kinh tế quốc dân năm 2007 được nâng lên 30,84%, tăng 1,76 lần so với năm 2004. Mục tiêu của Cần Thơ đến năm 2010, nâng tỷ lệ lao động đào tạo nghề trong nền kinh tế quốc dân là 43%.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Để trở thành trung tâm đào tạo nghề cho ĐBSCL, Cần Thơ cần thực hiện tốt 5 vấn đề trong xã hội hóa dạy nghề: Quy hoạch, chuẩn bị sẵn về đất, nhân lực, chính sách khuyến khích, tăng cường quản lý của địa phương. Để tạo bước đột phá trong đào tạo nghề, Cần Thơ cần triển khai mạnh các chương trình đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp; quy hoạch tốt, phân cấp đào tạo nghề hợp lý. Mạnh dạn sử dụng nguồn vốn xổ số kiến thiết đầu tư dạy nghề…

Trước đó, tối 11-4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ.
 
Lãnh đạo TP Cần Thơ cho biết, mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề đến năm 2010 là nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực để phát huy sức mạnh, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TP Cần Thơ phát triển toàn diện, bền vững, trở thành trọng điểm kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2010 chỉ số phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của thành phố vượt trên chỉ số trung bình của cả nước.
 
Trong phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Muốn thực hiện xã hội hóa tốt thì phải làm tốt 6 nội dung. Đó là thu hút sự quan tâm của xã hội, chính quyền địa phương và người dân; có sự chuẩn bị sẵn về đất đai, có quy hoạch và cơ chế giao đất; có nhân lực; huy động vốn của xã hội tham gia; có quản lý của Nhà nước và có cơ chế khuyến khích tự chủ đồng thời đem lại hiệu quả cao. Phó Thủ tướng ủng hộ việc thành lập Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực TP Cần Thơ và cho rằng, nên xây dựng trung tâm với quy mô cấp vùng.
 
Phó Thủ tướng đề nghị TP Cần Thơ phải chủ động đề xuất thứ tự ưu tiên phát triển ngành nghề cho phù hợp với điều kiện phát triển của vùng. Hàng năm, nên kiểm tra, xem xét lại quy hoạch phát triển ngành nghề đào tạo để có sự điều chỉnh thích hợp, phấn đấu trở thành đầu tàu nguồn nhân lực cho khu vực. 

C.PHONG - M.TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục