
Ở Trường PTCS xã Thái Học huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng, 3 năm qua năm nào cũng có học sinh lớp 9 sinh con. Tại một số xã cùng huyện, tỷ lệ tảo hôn dưới 14 tuổi chiếm khoảng 10%, tảo hôn ở độ tuổi 15-17 chiếm tới 70%, số kết hôn trên 18 tuổi chỉ khoảng 20%.
Những ông bố tuổi học sinh
Cách đây chừng 4 năm, Bàn Tòn Ton mới 8 tuổi đã được bố mẹ cưới cho một cô vợ 13 tuổi là Bàn Hoa Huệ. Dù ngoan ngoãn, chăm chỉ nhưng một năm sau Huệ chê chồng “còn bé” nên bỏ Ton để lấy chồng khác. Còn Bàn Tòn Khe từ năm 13 tuổi được bố mẹ cưới vợ là Bàn Mùi Sao (lớn hơn 2 tuổi). Khác với Huệ, sau khi lấy chồng, Mùi Sao liền bỏ học để ở nhà chăm sóc con và đi nương, còn chồng tiếp tục đi học, hiện đang học lớp 9. Tôi hỏi: Học hết lớp 9, Khe có đi học tiếp không? Không biết! Ngừng một lát, Khe bảo: “Nhưng cũng không ở nhà”.

Do nạn tảo hôn, nhiều cậu bé đang trong tuổi ăn học, vui chơi ở Trường PTCS xã Thái Học, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã có vợ.
Đang nói chuyện thì đứa con trai hơn 1 tuổi khóc ré lên, Khe vội chạy ra dỗ nó ngủ tiếp. Tôi hỏi: Sau này em sẽ sinh con nữa không? Mùi Sao trả lời: Không biết! Bây giờ Sao có sử dụng biện pháp tránh thai không? Có! Đồng hồ chỉ hơn 12 giờ trưa, tôi chưa kịp ra khỏi nhà thì Bàn Tòn Khe đã cùng mấy cậu choai choai tót đi chơi, còn Mùi Sao vừa bế con vừa thu dọn nốt chỗ đậu tương mà cô vừa gùi ở nương về.
Đến xã Thái Học, hỏi chuyện lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, các cô cậu học sinh PTCS trả lời rất tự nhiên: “Bố mẹ bảo lấy thì lấy”, hay “bố mẹ bảo lấy về để nó làm việc nhà thì lấy thôi”…
Trường PTCS Thái Học có 375 học sinh (trong đó có 191 học sinh nam), hiện nay có khoảng hơn 20 em đã có vợ (hoặc chồng), đa số ở độ tuổi 14 - 15. Năm 2004, có hơn 10 học sinh nữ bỏ học vì tảo hôn, hiện nay khá nhiều học sinh nam đang học nhưng đã có 1 - 2 con và trong 3 năm học vừa qua, năm nào cũng có học sinh lớp 9 sinh con.
Cô giáo Hoàng Thị Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường PTCS Thái Học cho biết: Đối với các học sinh cưới tảo hôn, dù được mời, các cô giáo thường không đi dự. Cô giáo khuyên thì phụ huynh học sinh bảo: Mọi người lớn như nó đều lấy vợ lấy chồng hết, không lấy cho nó thì để nó ế à? Với những em nữ, thường sau khi cưới xong thì bỏ học luôn, may ra có vài em học tiếp một thời gian cho đến khi có con là bỏ hẳn. Còn lại các em nam có vợ vẫn đi học, song học hành sa sút. 10 năm trở lại đây, xã Thái Học chỉ có 2 em nữ (một là con của chủ tịch xã) đi học tới nơi tới chốn, còn lại tất cả đều ở nhà lấy chồng sớm, sinh con.
Chính quyền xã: Khó lắm!
Không chỉ riêng xã Thái Học, một số xã của huyện Nguyên Bình như Ca Thành, Vũ Nông… tỷ lệ tảo hôn cũng rất cao. Kết quả khảo sát ở các xã này cho thấy tỷ lệ tảo hôn dưới 14 tuổi chiếm khoảng 10%, tảo hôn ở độ tuổi 15-17 chiếm tới 70%, số kết hôn trên 18 tuổi chỉ khoảng 20%. Do cưới tảo hôn nên dẫn đến tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi tăng cao.
Năm 2003 ở 3 xã trên có 41 trẻ dưới 1 tuổi chết (chiếm 58,99‰) đây là tỷ lệ cao gấp đôi so với mặt bằng chung của cả nước (30‰). Phần lớn trẻ em chết dưới 1 tuổi rơi vào các trường hợp mẹ sinh trước tuổi 22, không đến trạm y tế sinh hoặc sinh tại nhà không có cán bộ y tế giúp đỡ.
Qua trao đổi với giáo viên và một số học sinh cưới tảo hôn, chúng tôi thấy hầu hết các em đều ý thức được việc tảo hôn là sai, song do đây là việc làm phổ biến nên các em vẫn chấp nhận. Thái Học là xã đặc biệt khó khăn, có 100% đồng bào là dân tộc Dao đỏ. So với nhiều địa phương vùng cao có đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái Học được đánh giá là tiến bộ hơn về trình độ nhận thức và điều kiện giao thông, kinh tế - xã hội tương đối thuận lợi và ổn định.
Song tình trạng tảo hôn vẫn không giảm so với trước đây, chỉ có điều khác trước là độ tuổi tăng dần từ 11 - 12 tuổi lên 14 - 15 tuổi. Một nghịch lý là kinh tế càng phát triển thì tảo hôn lại càng tăng, bởi đa số các gia đình có kinh tế khá có nhiều trâu bò, nương rẫy nên cần có nhiều người làm. Hơn nữa điều kiện thách cưới bớt nặng nề hơn so với trước đây nên việc dựng vợ gả chồng không mấy khó khăn và tảo hôn vẫn cứ tiếp diễn.
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, ông Bàn Phụ On, Chủ tịch UBND xã không nắm được con số các cặp tảo hôn ở xã, chỉ “mang máng nhớ” là năm trước có đi dự một đám cưới tảo hôn. Biết là sai pháp luật nhưng lãnh đạo xã vẫn đi dự vì: “Quan hệ cộng đồng trong đồng bào Dao chặt chẽ lắm, với lại đây là phong tục tập quán từ xưa đến nay như thế rồi, nếu mình không đi nghĩa là tách mình ra khỏi cộng đồng, khó lắm…”.
Rời Thái Học, trước mắt chúng tôi vẫn hiện lên những gương mặt non nớt, ngơ ngác của những cô bé, cậu bé đang ở tuổi đến trường cặm cụi trên nương với đứa con. Không biết đến khi nào nạn tảo hôn ở vùng cao Cao Bằng mới được ngăn chặn triệt để ?
XUÂN THƯƠNG