Quảng Ninh

Tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư

Ông NGUYỄN DUY HƯNG:
Tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng để trở thành một con rồng ở vùng Đông Bắc. Thế nhưng, vừa qua, Quảng Ninh đã bị Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh tụt hạng về chỉ số cạnh tranh. Mới đây, Tổng cục Thống kê lại xếp tỉnh này vào hạng thấp về khả năng thu hút đầu tư. Vì sao? Làm thế nào để vực dậy một “vùng mỏ” vốn được nhiều nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng xung quanh những vấn đề vừa nêu trên.

Tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư ảnh 1

Cây cầu Bãi Cháy đưa vào sử dụng đã rở thành động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông - Bắc.

- Thưa ông, vì sao một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt so với rất nhiều tỉnh khác như Quảng Ninh lại liên tiếp bị tụt hạng về sức thu hút đầu tư trong hai năm qua?

Ông NGUYỄN DUY HƯNG: Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư đến làm ăn. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng tôi đã gặp phải những khó khăn, khiến sức hút đối với các nhà đầu tư giảm dần. Thứ nhất, theo tôi, mấu chốt của vấn đề là do hạ tầng giao thông yếu kém đã ảnh hưởng đến sức hút đầu tư của Quảng Ninh.

Nếu cơ sở hạ tầng giao thông tốt sẽ giảm giá thành rất đáng kể cho nhà đầu tư khi quyết định đầu tư làm ăn ở tỉnh. Nhưng trên thực tế, quốc lộ 18 mới nâng cấp xong song bây giờ đã bắt đầu chật, tắc đường bắt đầu xảy ra. Xe chở container 40 feets thường xuyên bị đổ. Trong khi đó, lưu lượng hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái, Bình Liêu, Quảng Đức rất lớn, năm 2006 là 2,7 tỷ USD. Còn đường sắt, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Yên Viên-Hạ Long hiện vẫn triển khai rất chậm. Thứ hai, việc đầu tư ở Quảng Ninh còn gặp khó khăn đòi hỏi suất đầu tư lớn vì nếu đầu tư ở biển thì phải tôn tạo, san lấp; đầu tư ở núi thì phải san ủi mặt bằng.

Nhưng đó là những nguyên nhân khách quan. Về chủ quan, chúng tôi thừa nhận rằng trong thu hút đầu tư, thủ tục hành chính vẫn chưa thông thoáng. Lãnh đạo tỉnh rất coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính, đã ra nhiều văn bản tạo mọi điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhưng việc triển khai ở các cấp, ngành lại vẫn còn nhiều nặng nề, nhất là ở khâu cấp đất, giải phóng mặt bằng.

- Thủ tục hành chính nặng nề là một rào cản đã làm lỡ cơ hội lớn của một tỉnh vốn nhiều tiềm năng, vốn được nhiều nhà đầu tư trông chờ, hy vọng như Quảng Ninh. Vậy trong năm 2007 này, lãnh đạo Quảng Ninh có đưa ra những giải pháp mạnh để sớm chấm dứt tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu như trên?

Lãnh đạo tỉnh đã quyết định: việc phải bắt tay làm ngay là tìm nguyên nhân và cách tháo gỡ tình trạng Quảng Ninh bị tụt hạng về cạnh tranh và thu hút đầu tư. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quy chế mới về cấp đất, chứng nhận sản xuất kinh doanh. Quy chế này đã đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây. Trước đây, khi nhà đầu tư đến làm ăn ở Quảng Ninh phải làm đơn xin đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư lại chạy đi xin duyệt địa điểm đầu tư từ cấp xã, phường rồi quay về tỉnh. Chưa xong, tỉnh lại phải duyệt mặt bằng quy hoạch, vị trí đầu tư. Rồi nhà đầu tư phải vẽ mặt bằng quy hoạch tổng thể, chi tiết để chạy đi chạy lại xin chữ ký từ cấp dưới lên cấp trên…

Nhưng bây giờ, nếu nhà đầu tư đến đầu tư vào khu đã có quy hoạch thì UBND tỉnh duyệt ngay mà các cấp không phải duyệt như trước nữa. Còn đối với những khu chưa có quy hoạch, để các nhà đầu tư không phải chạy đi chạy lại, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở KH-ĐT Quảng Ninh phải lo mọi thủ tục cho nhà đầu tư (liên thông). Cuối cùng, nhà đầu tư chỉ cần đến nhận kết quả tại Sở KH-ĐT Quảng Ninh. Nếu gặp khó khăn, nhà đầu tư có thể gặp trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh để giải quyết. Đặc biệt, đối với những dự án đầu tư cần thiết, Quảng Ninh sẵn sàng bỏ tiền để giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư.

- Những cách làm trên có được các nhà đầu tư đón nhận không?

Rất đáng mừng là ngay trong quý 1-2007, thu hút đầu tư ở Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khả quan, gấp đôi cùng quý năm trước. Các nhà đầu tư lớn, nhỏ đã bắt đầu nhắm đến Quảng Ninh. Theo kế hoạch, vào ngày 18-3, dự án nhà máy đóng tàu lớn nhất Việt Nam của Vinashin sẽ được khởi công tại khu kinh tế biển Hải Hà. Tại khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn, hiện tại nhiều nhà đầu tư cũng đã đến để khảo sát mặt bằng, làm thủ tục đầu tư. Trong tuần qua, một tập đoàn kinh tế cũng đã lập xong quy hoạch một khu cảng biển và công nghiệp tại khu đầm nhà Mạc thuộc huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Giai đoạn đầu, dự kiến đầu tư khoảng 7 tỷ USD.

-Theo ông, nếu đầu tư vào Quảng Ninh, các nhà đầu tư sẽ nhận được những lợi thế gì?

Có nhiều lợi thế. Thứ nhất, họ có thể khai thác việc vận chuyển về đường biển vì khả năng vận chuyển đường biển ở Quảng Ninh là rất lớn. Hiện tại, chúng tôi đã có một cảng nước sâu Cái Lân cho tàu 40.000 tấn, cảng Cửa Ông cho tàu 60.000, cảng Lạch Huyện cho tàu 30.000 tấn ra vào. Đặc biệt là vài năm tới, khi khu kinh tế Hải Hà hình thành với một tổ hợp cảng biển, nhà máy đóng tàu, khu chế xuất lớn… thì có thể đón vào đây tàu 150.000-200.000 tấn.

Có lẽ, cả miền Bắc không tỉnh nào có lợi thế hơn so với Quảng Ninh về cảng nước sâu. Thứ hai, việc đầu tư vào Quảng Ninh có một lợi thế rất lớn là thị trường Trung Quốc, một thị trường lớn, nhu cầu nguyên liệu và hàng tiêu dùng đều cao. Đã đầu tư sản xuất phải có thị trường. Thứ ba, Quảng Ninh là tỉnh có sẵn nhân lực, trình độ, tay nghề của công nhân được đào tạo. Bởi vì ở tỉnh chúng tôi, cơ cấu nông nghiệp chỉ chiếm dưới 10%. Còn lại 90% là công nghiệp và dịch vụ. Thứ tư, Quảng Ninh có sẵn một vùng nguyên, nhiên liệu lớn và khá phong phú. Thứ năm, đất đai, mặt bằng ở đây còn rộng, kể cả mặt đất và nước, có thể cấp với diện tích lớn cho nhà đầu tư, điều mà các tỉnh đồng bằng khác không làm được…

- Hiện nay, các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào khu kinh tế biển Hải Hà. Theo ông, sức hấp dẫn của khu kinh tế này như thế nào?

Ở đây có một luồng lạch có thể đảm bảo cho tàu 200.000 tấn ra vào mà không cần đợi thủy triều. Hơn thế, xung quanh lại được bao bọc bởi một hệ thống núi đồi nên rất lặng gió, tàu bè neo đậu rất an toàn. Đặc biệt, đây lại là vùng dân cư ít nên việc giải phóng mặt bằng dễ dàng. Ngoài ra, đây là khu gần biên giới Việt-Trung, chỉ cách khoảng 40km, lại không xa khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn (Hạ Long). Cả miền Bắc, không phải ở đâu cũng được như vậy. Do đó, dự án này ra đời rất nhanh. Và ở đâu có cảng nước sâu, có thể đón tàu trọng tải lớn ra vào thì rất thuận lợi cho các ngành sản xuất thép, lọc dầu, đóng tàu… Hiện đã có 6 nhà đầu tư lớn gồm Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty Đầu tư-Phát triển Hạ Long và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chọn đầu tư vào khu kinh tế biển này.

- Khi khu kinh tế biển này hình thành thì các nhà đầu tư khác có thể tìm được một chỗ hay không?

Theo tôi, khi các doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào khu kinh tế này thì chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp nhỏ vệ tinh xung quanh. Trong vài năm nữa, ở xung quanh đây sẽ xuất hiện một thành phố công nghiệp rất sôi động, đặc biệt là khu Móng Cái theo lộ trình đến năm 2008 sẽ lên thành phố (thành phố biên giới đầu tiên của Việt Nam) sẽ càng tạo nhiều thuận lợi hơn cho việc xây dựng một khu kinh tế công nghiệp tại Hải Hà cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn tại Quảng Ninh.

- Xin cảm ơn ông!

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục