Tạo sự khác biệt về chất lượng đào tạo

Bộ GD-ĐT đã có một số quyết định khá quan trọng liên quan đến bậc đào tạo ĐH-CĐ của nước nhà và một trong những quyết định rất đáng quan tâm đó là việc bỏ chương trình khung do bộ ban hành vốn bắt buộc các trường ĐH phải tuân thủ khi xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành học.

Bộ GD-ĐT đã có một số quyết định khá quan trọng liên quan đến bậc đào tạo ĐH-CĐ của nước nhà và một trong những quyết định rất đáng quan tâm đó là việc bỏ chương trình khung do bộ ban hành vốn bắt buộc các trường ĐH phải tuân thủ khi xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành học.

Chương trình khung chiếm khoảng 70% khối lượng của một ngành học và được gọi là “phần cứng” và tất cả các trường đều phải tuân theo. Các trường chỉ được tự do thiết kế trong khoảng 30% “phần mềm” còn lại mà thôi. Quy định về chương trình khung cũng có ưu điểm là đảm bảo một chuẩn kiến thức cơ bản cho sinh viên khi học một ngành nào đó dù học ở những trường khác nhau. Thế nhưng nhược điểm lớn nhất là chương trình khung sẽ không tạo ra sự khác biệt về chất lượng đào tạo giữa các trường, không giúp phát huy thế mạnh của từng trường. Việc bỏ chương trình khung sẽ dần dần dẫn đến những “trường phái học thuật” trong nền giáo dục ĐH, bởi cùng một ngành nhưng trường có đội ngũ giảng viên giỏi, cơ sở vật chất tốt sẽ thiết kế chương trình đào tạo khác với những trường có đội ngũ giảng viên kém, cơ sở vật chất hạn hẹp. Bên cạnh đó, việc bỏ chương trình khung cũng sẽ giúp các trường xây dựng chương trình đào tạo theo thế mạnh của riêng mình. Từ đó dù cùng một ngành học nhưng khi nói đến trường A thì xã hội sẽ biết nó khác như thế nào với trường B, và như vậy, nếu người học muốn học ngành đó nhưng theo hướng này sẽ chọn học ở trường A, muốn học theo hướng khác thì sẽ chọn học ở trường B. Sau này nhà tuyển dụng cũng sẽ dễ dàng chọn lựa được nhân viên thích hợp cho mình, bởi họ đã biết được điểm mạnh và điểm yếu trong đào tạo của từng trường trong từng ngành học.

Muốn tạo được sự khác biệt, điều hiển nhiên là các trường ĐH thời gian tới sẽ phải đầu tư về nhân lực cũng như cơ sở vật chất và cũng sẽ phải xác định lại xem mục tiêu đào tạo, khả năng cũng như điểm mạnh của mình là gì để có cách thiết kế chương trình đào tạo cho phù hợp. Việc không còn chương trình khung cũng sẽ tạo ra sự công bằng giữa các trường đại học, bởi lâu nay xã hội chỉ phân biệt trường công với trường tư, trường lâu năm với trường mới thành lập… Trong khi từ đây, xã hội sẽ đánh giá các trường dựa vào chương trình học, nội dung, phương pháp đào tạo và cũng có nghĩa là các trường công, trường lâu năm sẽ không còn được mặc nhiên đánh giá là tốt nữa mà các trường non trẻ, trường ngoài công lập cũng hoàn toàn có khả năng tạo ra nét riêng của mình. Tương lai, chỉ có sự khác biệt, sự độc đáo mới có thể giúp các ngành học nói riêng, các trường đại học tồn tại lâu dài mà thôi. 

LÊ MINH TIẾN
(Quận Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục