
Tập đoàn sản xuất chíp điện tử Intel vừa nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam với tổng giá trị 605 triệu USD (giai đoạn đầu 300 triệu USD). Sự kiện này được các hãng tin nước ngoài đưa trang trọng và xem là dấu hiệu tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Từ nhiều năm qua, cái tên Intel đã trở nên quen thuộc đối với những người hoạt động trong lĩnh vực tin học tại Việt Nam. Vậy Intel đã ra đời và phát triển như thế nào?
Lịch sử ra đời

Tập đoàn Intel nhận giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TPHCM.
Gordon Moore (1929-) và Robert Noyce (1927-1990) là hai nhà sáng lập của tập đoàn Intel. Noyce là tổng giám đốc và Moore là giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Fairchild Semiconductor. Nhưng Fairchild Semiconductor lại chịu sự quản lý của tập đoàn Fairchild Camera & Instrument.
Hai ông cùng với trợ lý của ông Moore là Andrew Grove bất đồng với ban lãnh đạo tập đoàn nên đã quyết định rời khỏi Fairchild Semiconductor để ra thành lập công ty riêng vào năm 1968. Cả hai ông trước khi tới đóng góp vào việc thành lập Fairchild Semiconductor cũng đã cùng thành lập công ty bán dẫn Shockley Semiconductor.
Do đó, hai ông rất tự tin rằng có thể tiếp tục tạo dựng một công ty khác. Mỗi người đóng góp 250.000 USD và kêu gọi đầu tư thêm 2,5 triệu USD để thành lập nên công ty mang tên NM Electronics. Lúc đầu hai ông định đặt cho công ty của mình là “Moore Noyce” (tên của 2 ông).
Tuy nhiên, cái tên này phát âm giống như “more noise” (ồn ào hơn). Đối với một công ty điện tử thì tên này quả thật là không ổn. Sau đó, hai ông quyết định lấy những vần đầu của 2 từ INTegrated ELectronics (điện tử tích hợp) trở thành từ Intel. Nhưng cái tên này đã có chủ- đó là tên của một tập đoàn khách sạn. Do đó, hai ông phải mua lại bản quyền cái tên này vào cuối năm 1968. Kể từ đó cái tên Intel bắt đầu xuất hiện.
Thay vì sản xuất các bóng đèn hình transistor để cạnh tranh với công ty cũ, Intel nghiên cứu chế tạo các chip điện tử dùng cho máy tính. Năm 1971, Intel đã thành công trong việc bán các chip. Cũng vào năm đó, các nhà khoa học của Intel đã phát triển một loại chip mới mang tên microprocessor (bộ vi xử lý) với tính năng có thể lập trình để tính toán. Kể từ đó, bộ vi xử lý trở thành “bộ não” của máy tính. Bộ vi xử lý của Intel ngày càng nhỏ gọn hơn, nhanh hơn và rẻ hơn trong vòng 3 thập niên qua và thống lĩnh thị trường thế giới.
Mở rộng quy mô trên toàn thế giới
Những năm 1970, các sản phẩm của Intel như các loại bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên (DRAM, SRAM) và bộ nhớ chỉ đọc (ROM) thống lĩnh thị trường thế giới. Bộ vi xử lý đầu tiên mà Intel tung ra thị trường thế giới ngày 15-11-1971 là bộ vi xử lý Intel 4004 mặc dù khi đó hoạt động chính của Intel không phải là sản xuất bộ vi xử lý. Cho đến giữa những năm 1980 Intel mới bắt đầu tập trung sản xuất bộ vi xử lý. Năm 1972, Intel bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất ra ngoài nước Mỹ với một nhà máy được xây dựng tại Penang, Malaysia.
Năm 1974, Intel tung ra bộ vi xử lý Intel 8080, theo nhiều người đây thực sự là bộ xử lý đa mục đích, nó có thể thay thế 4.500 đèn transistor và tốc độ nhanh gấp 10 lần so với các “đàn anh” của nó. Sau đó, Intel 8080 xuất hiện trong nhiều sản phẩm điện tử như đèn giao thông, máy đếm tiền…
Sang năm 1975, bộ vi xử lý Intel 8080 lần đầu tiên được sử dụng trong một chiếc máy tính cá nhân mang tên Altair 8800 thu hút hàng ngàn người mua.
Hiện nay, 90% máy tính trên toàn thế giới sử dụng các con chíp của Intel. Hiện Intel có tổng cộng hơn 90.000 nhân viên trên toàn thế giới với 15 cơ sở sản xuất trên toàn cầu, trong đó có 7 cơ sở ở Mỹ và 8 cơ sở ở nước ngoài (tại các nước Trung Quốc, Costa Rica, Ireland, Israel, Malaysia và Philippines). Doanh thu của Intel năm 2005 ước tính đạt trên 38 tỷ USD.
Các cơ sở sản xuất của Intel chia làm hai loại: nhà máy sản xuất (fabrication facility-gọi tắt là fab) và cơ sở lắp ráp và chạy thử (assembly and test facility). Các cơ sở sản xuất dùng cho việc chế tạo silicon, các con chíp và các thành phần của bộ nhớ.
Sau khi các sản phẩm được chế tạo tại các cơ sở sản xuất nó sẽ được đưa tới các cơ sở lắp ráp để tích hợp thành bộ vi xử lý và chạy thử. Do yêu cầu cao của việc chế tạo các con chíp (sử dụng nhiều loại hóa chất, thiết bị tối tân, trình độ chuyên môn cao) nên các fab có số tiền đầu tư xây dựng cao hơn nhiều so với các cơ sở lắp ráp, trung bình một fab có tiền đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Luật của Moore
Năm 1965, Gordon Moore lúc đó có đưa ra một luật mang tính dự báo về tình hình phát triển công nghệ vi xử lý của thế giới. Sau đó, luật này được lấy tên là luật của Moore.
Theo luật này, Moore ước tính cứ mỗi 2 năm, một bộ vi xử lý có thể tích hợp gấp đôi số lượng chíp tích hợp trong nó. Dự báo này đến nay hoàn toàn chính xác và có thể tiếp tục đúng ít nhất là đến giữa thập niên tới. Hầu hết các hãng cạnh tranh với Intel hiện nay cũng đều thừa nhận luật Moore và đang chạy đua nâng tốc độ xử lý của bộ vi xử lý (tức là nâng độ tích hợp của các con chip trong một bộ vi xử lý). Do ưu điểm của bộ vi xử lý của Intel, nên nhiều hãng máy tính trước đây sử dụng bộ vi xử lý của các hãng khác nay chuyển sang sử dụng bộ vi xử lý của Intel, trong đó có hãng Apple.
“Đừng để lịch sử trói buộc, hãy thoát khỏi và làm điều gì đó tuyệt vời”- Gordon Moore - đồng sáng lập Intel
VŨ MINH (tổng hợp)