Lúa vụ đông xuân

Tập quen “Sống với mưa muộn”

Tập quen “Sống với mưa muộn”

Theo Cục Quản lý nước và công trình thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đến ngày 15-12, vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ được trên 870.000 ha lúa vụ đông xuân (ĐX), cùng kỳ năm 2004 con số này đã là 1,22 triệu ha, con số chênh lệch lên đến trên 352.000 ha.

Trong đó, Long An mới gieo sạ được khoảng 100.000 ha, An Giang chỉ khoảng 50.000 /202.000 ha, Đồng Tháp chỉ hơn 110.000 /202.000 ha. Thời vụ gieo sạ lúa đông xuân bị chậm hơn 15-20 ngày. Việc gì đang xảy ra tại vựa lúa trọng điểm cả nước?

  • Thời tiết thất thường

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, những ngày tới mưa lại xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh Nam bộ, nhất là khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau do bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông. Như vậy, từ giữa tháng 11 đến nay, khu vực Nam bộ liên tiếp có những đợt mưa kéo dài.

Tập quen “Sống với mưa muộn” ảnh 1

Đài KTTVKVNB cho biết, mùa mưa năm nay chấm dứt muộn hơn năm 2004 khoảng 1 tháng. Càng bất thường hơn, khi mới vừa chuyển sang mùa khô, những đợt mưa trái mùa lại xuất hiện trên diện rộng. Dù mưa trong mùa khô không phải là chuyện hiếm, nhưng sau 3 năm hạn hán gay gắt, ít có những đợt mưa trái mùa, thì năm nay, theo dự báo, mưa trái mùa sẽ diễn ra nhiều hơn.

Trong khi đó, do ảnh hưởng triều cường cuối năm thường cao, cộng với việc mưa liên tục nên càng làm cho nước trong đồng ở nhiều khu vực bị dồn ứ lại. Những yếu tố này làm cho tiến độ gieo sạ lúa vùng trọng điểm cả nước gặp nhiều khó khăn.

  • Thất mùa trước thu hoạch

Tiến sĩ Phạm Sỹ Tân, Phó viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết năm nay vựa lúa ĐBSCL hội tụ khá nhiều điều bất lợi. Bên cạnh việc mưa chấm dứt muộn, triều cường cao, vịt chạy đồng bị cấm nuôi vì dịch cúm gia cầm nên ốc bươu vàng có điều kiện tích tụ, sinh sôi và phá hại. Ở Đồng Tháp phần lớn diện tích đã gieo sạ lúa đông xuân đang bị ốc bươu vàng hoành hành. Nhiều trường hợp phải gieo sạ đi lại 2-3 lần.

Các tỉnh khác cũng gặp tình trạng như vậy. Kinh nghiệm cho thấy càng gieo sạ lại nhiều lần, chất lượng giống càng giảm. Giống tốt thường được gieo sạ ở đợt đầu, nên khi gieo sạ đợt 2, lúa giống sẽ có chất lượng kém hơn. Trong khi đó, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Hữu Huân cảnh báo tiến độ gieo sạ chậm dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tăng cao và ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa.

Ngoài ra, thời tiết lạnh và sương mù buổi sáng tạo điều kiện cho bào tử dễ xâm nhập vào cây lúa, làm khô cổ bông, lá lúa vàng, gây bệnh đạo ôn cổ bông. Gieo sạ chậm còn gặp bất lợi vào cuối vụ, xâm nhập mặn có thể đe dọa đến năng suất. Tiến sĩ Phạm Sỹ Tân cho biết gieo sạ nhiều lần, sâu bệnh gây hại lúa, năng suất bị ảnh hưởng là những yếu tố làm cho giá thành lúa đông xuân sẽ tăng thêm vài trăm đồng/kg, tương đương với giá lúa vụ hè thu, trong khi giá lúa vụ đông xuân thường thấp hơn.

Một khi thời vụ đông xuân bị chậm cũng sẽ kéo theo lúa hè thu 2006 chậm. Đây là vụ lúa mà người dân vùng ĐBSCL phải thu hoạch sớm để né lũ (khoảng tháng 7, tháng 8), nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch lúa hè thu.

Theo Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (phụ trách phía Nam), thời vụ đông xuân ở ĐBSCL không thể chậm hơn được nữa. Vì vậy, cần tập quen “sống chung với mưa muộn”, tranh thủ những lúc ngưng mưa để sạ ngầm cải tiến.

Cần chọn giống có cường lực nẩy mầm mạnh, sử dụng giống ngắn ngày và không nên sạ lúa quá dày để tạo thông thoáng cho đồng ruộng. Và phải thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện có dấu hiệu sâu bệnh trên đồng ruộng, cần xử lý ngay.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục