Tập trung cho kinh tế

Chính trường Nhật Bản đang ồn ào về bầu cử sớm cũng như sắp xếp lại chính trị. Mọi tin tức xoay quanh việc Thủ tướng Taro Aso đang mất dần sự ủng hộ của người dân với tỷ lệ xuống mức 20% - ngưỡng nguy hiểm đối với sự sống còn của một chính phủ – trong khi đảng Dân chủ đối lập liên tục gây sức ép đòi tổ chức bầu cử sớm.

Thủ tướng tiền nhiệm Yasuo Fukuda đã từ chức khi tỷ lệ ủng hộ chính phủ thấp tương tự, mở đường cho thành viên khác của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) là ông Taro Aso lên thay với hy vọng sẽ đẩy tỷ lệ ủng hộ nội các mới lên cao, khi đó sẽ giải tán Quốc hội để bầu cử sớm và LDP mới có cơ may thắng lợi. Hiện niềm tin của công chúng đối với Chính phủ của Thủ tướng Taro Aso đang xuống thấp, nếu diễn ra bầu cử trước hạn thì nhiều khả năng đảng Dân chủ đối lập sẽ giành chiến thắng.

Nhậm chức hồi tháng 9-2008, chính phủ của Thủ tướng Taro Aso khi đó nhận được sự ủng hộ khoảng 50%. Thủ tướng Taro Aso đã tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện, tổ chức bầu cử sớm, thế nhưng việc đó đã không xảy ra. Giờ đây những vấn đề khiến 2 người tiền nhiệm của ông là Abe và Fukuda ra đi vẫn còn đó. Tình hình kinh tế khó khăn, thương mại sụt giảm, vấn đề cải cách thuế và chế độ hưu trí,… đang xói mòn niềm tin của công chúng. Chính phủ của ông Aso đang lâm vào tình huống khó khăn, buộc đảng cầm quyền LDP phải nhanh chóng làm gì đó để củng cố sức mạnh trước tổng tuyển cử vào tháng 9 tới.

Thủ tướng Taro Aso cho rằng đất nước đang chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng nên bầu cử sớm không quan trọng bằng việc giải quyết những khó khăn kinh tế hiện nay. Ông cam kết làm hết sức để Nhật Bản là nước đầu tiên thoát khỏi “cơn sóng thần” của tình trạng suy thoái toàn cầu bằng những biện pháp táo bạo. Vào ngày 5-1, chính phủ sẽ đệ trình lên Quốc hội ngân sách bổ sung cho năm 2008 và vào ngày 19-1 sẽ đưa ra ngân sách cho năm tài chính 2009 mà mục tiêu hàng đầu là khôi phục kinh tế, bảo vệ cuộc sống người dân.

Ông kêu gọi đảng Dân chủ đối lập đang kiểm soát Thượng viện nhanh chóng phê chuẩn ngân sách đã được nội các thông qua (theo đó sẽ đẩy chi tiêu tới mức kỷ lục nhằm chống lại tình trạng suy thoái ngày càng tồi tệ, với con số đưa ra là 88,55 ngàn tỷ yên, tương đương 981 tỷ USD), tăng 6,5% so với năm 2008. Đảng Dân chủ ở vào thế sẽ không thể quay lưng với chính phủ của ông Aso, coi như từ chối lo cho dân cho nước. Tập trung lo kinh tế là mong muốn của đảng cầm quyền đồng thời cũng là cách hoãn binh chính đáng để từ chối bầu cử sớm.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ Hạ viện, vào tháng 9 tới, Thủ tướng Taro Aso có thể tổ chức bầu cử sớm bất kỳ lúc nào sau khi tuyên bố 40 ngày. Tuy nhiên có vẻ ông đang nỗ lực lấy lại uy tín cho LDP trong thời gian ngắn còn lại bằng chính sách vực dậy nền kinh tế và đương đầu với thử thách khi tổng tuyển cử đúng hạn diễn ra.

Lệ Thư

Tin cùng chuyên mục