An Giang

Tập trung xây dựng các khu kinh tế biên giới

Tập trung xây dựng các khu kinh tế biên giới

An Giang đã tạo nên nét son trong năm 2005 bằng việc vượt qua ngưỡng 3 triệu tấn lương thực/năm, dẫn đầu cả nước. Song, thực tế nhiều thách thức đang đặt ra cho An Giang từ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cửa khẩu và đưa nền nông nghiệp – thủy sản lên tầm cao mới… Phóng viên báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Việt, Bí thư Tỉnh ủy An Giang xung quanh vấn đề này.

- PV:
Tiến trình hội nhập đang đòi hỏi chúng ta thay đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp và thủy sản, đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

- Ông Nguyễn Hoàng Việt:
Đây là vấn đề chúng tôi đang trăn trở. An Giang sẽ tập trung hướng phát triển nông nghiệp và thủy sản trong giai đoạn tới là nền nông nghiệp – thủy sản giá trị cao, chất lượng đủ sức đảm bảo hội nhập và cạnh tranh. Giải pháp mà chúng tôi đặt ra là phải tổ chức lại sản xuất, tạo ra sự liên kết cần thiết.

Tập trung xây dựng các khu kinh tế biên giới ảnh 1

Sự liên kết ở ĐBSCL là rất quan trọng. Liên kết phải đảm bảo chặt nhiều công đoạn như: sản xuất, chế biến, dịch vụ thức ăn, thuốc, tiêu thụ… Và vấn đề quan trọng là chúng ta liên kết để tạo ra những sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, An Giang sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng sạch, sinh thái. Chỉ có như thế chúng ta mới tồn tại và cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

- An Giang đã triển khai mô hình nuôi cá tra, cá basa sạch, chúng ta cần làm gì để nhân rộng mô hình này?

- Phải có mô hình sản xuất hiệu quả và đúc kết kinh nghiệm để mọi người học hỏi. Trong việc nhân rộng mô hình này, theo tôi vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải xã hội hóa để các thành phần, cá nhân tham gia đặt trong chuỗi giá trị tự giác cao.

- Ông có thể cho biết vì sao thu hút đầu tư – nhất là đầu tư nước ngoài trên địa bàn An Giang vẫn còn thấp so với các tỉnh, thành khác ở ĐBSCL?

- Một điều dễ thấy là An Giang ở vị trí rất xa với trung tâm kinh tế TPHCM. Cơ sở hạ tầng ở An Giang còn yếu. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của tỉnh chưa đủ sức để đưa ra những chương trình thu hút đầu tư mạnh. Trong thời gian qua, tỉnh còn nhiều khó khăn, cụ thể là chưa có các khu công nghiệp tập trung. Chúng tôi cũng đã tự kiểm điểm lại vấn đề này. Chính vì vậy, An Giang phải đón đầu đầu tư của trung ương để phát triển nhanh. Hai vấn đề mà chúng tôi quan tâm là hạ tầng và nguồn nhân lực. Cụ thể là chúng tôi sẽ hình thành ngay các khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế cửa khẩu với những chính sách hợp lý để đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư.

- Có đường biên giới với Campuchia, An Giang sẽ tập trung vào vấn đề nào để phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu?

- An Giang có đường bộ và đường sông thông thương với Campuchia, là cửa ngõ trung chuyển với Campuchia và ASEAN. Điều này được xác định trên vị trí địa lý và quan hệ giao thương kinh tế với phía Campuchia. Trong tương lai, với những trục phát triển của ĐBSCL với Campuchia, thì vị trí của An Giang sẽ là cửa ngõ trung chuyển. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các khu kinh tế biên giới; khu quốc tế, quốc gia… với đầu tư của trung ương về cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông. Chúng tôi xác định thế mạnh ở chỗ phát triển dịch vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biên giới.

- Cầu Vàm Cống dự kiến được xây dựng trong năm 2006, xin đồng chí cho biết tầm quan trọng của chiếc cầu giúp An Giang thông bộ với TPHCM?

- Hiện nay tuyến đường bộ của An Giang bị hạn chế “phải qua phà” – điều này làm cho khoảng cách giữa An Giang và TPHCM xa hơn. Chính vì vậy, việc xây dựng cầu Vàm Cống đối với An Giang rất quan trọng. Cầu Vàm Cống không chỉ đơn thuần giúp giao thông thuận tiện hơn; đối với tỉnh An Giang còn có ý nghĩa liên thông, khi cầu Vàm Cống gắn với một đoạn của tuyến đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường Hồ Chí Minh cũng là tuyến tránh của TP Long Xuyên. Đây là điểm nhấn quan trọng để TP Long Xuyên phát triển trong tương lai. Có thể nói cầu Vàm Cống là công trình đa mục tiêu đối với An Giang. 

Cao Hoàng Phong thực hiện

Tin cùng chuyên mục