Tất bật chuẩn bị hàng hóa tết

Những ngày này, không khí sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Bính Thân 2016 bắt đầu sôi động. Tại các làng nghề ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… nhiều cơ sở hoạt động xuyên suốt để đủ số lượng hàng giao cho khách; trong khi các nhà vườn cũng đang o bế vườn trái cây đẹp, độc đáo… với hy vọng bán được giá trong dịp tết.
Tất bật chuẩn bị hàng hóa tết

Những ngày này, không khí sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Bính Thân 2016 bắt đầu sôi động. Tại các làng nghề ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… nhiều cơ sở hoạt động xuyên suốt để đủ số lượng hàng giao cho khách; trong khi các nhà vườn cũng đang o bế vườn trái cây đẹp, độc đáo… với hy vọng bán được giá trong dịp tết.

Chủ động sản xuất sớm

Bà Mai Hoàng Lý, chủ cơ sở bánh tét Trà Cuôn Hai Lý, ở ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), cho biết: “Cách đây khoảng 2 tháng, tôi phải lặn lội lên Tiền Giang, An Giang… tìm mua một số lượng lớn nếp đặc sản thơm ngon để chuẩn bị cho việc gói bánh tét Trà Cuôn cung ứng cho thị trường tết. Do bánh tét Trà Cuôn của Trà Vinh đã nổi tiếng và được nhiều gia đình chuộng trong dịp tết; vì vậy phải chuẩn bị sớm để tránh việc thiếu hàng vào lúc cao điểm”. Theo bà Lý, những ngày bình thường, cơ sở chỉ sản xuất 300- 400 đòn bánh tét bán cho khách đi đường qua lại Trà Vinh và bỏ mối ở TPHCM. Tuy nhiên, dịp tết phải tăng số lượng bánh lên 7.000 - 8.000 đòn bánh/ngày mới đủ cung cấp cho thị trường TPHCM, miền Đông, ĐBSCL… Do đó, cùng với chuẩn bị đầy đủ về nguyên liệu, còn phải thuê thêm thợ để làm cả ngày lẫn đêm. Công việc khá vất vả nhưng phải nỗ lực bởi thương hiệu bánh tét Trà Cuôn đã được nhiều người biết đến.

Sản xuất tôm khô ở Trà Vinh phục vụ thị trường tết

Tại làng nghề chế biến thủy sản ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), nhiều cơ sở cũng tất bật lo hàng hóa phục vụ tết. Ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở cá khô Tiến Hải, tiết lộ: “Tết tới đây sẽ tung ra thị trường khoảng 10 tấn khô các loại như tôm khô, tôm còn vỏ, cá khoai, cá đuối đen; đặc biệt có món tôm tẩm và khô cá dứa rất ngon. Đây là những mặt hàng thế mạnh của cơ sở được người tiêu dùng xa gần tín nhiệm. Hiện tại đã có nhiều đại lý ở TPHCM, các tỉnh ĐBSCL… liên hệ đặt hàng, nhưng khoảng 2 tuần nữa mới vào cao điểm”. Để đảm bảo sản xuất cả chục tấn khô đặc sản trong dịp tết, cơ sở Tiến Hải vừa đầu tư 1,5 tỷ đồng trang bị nồi luộc và sấy tôm theo công nghệ mới; xây nhà xưởng, kho bảo quản, đóng gói… để nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Hải, cái khó duy nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu tôm bạc đất tự nhiên (để làm tôm khô) ngày càng khan hiếm; vì thế cơ sở phải mở rộng địa bàn thu mua ở nhiều nơi xa hơn để hy vọng có đủ nguyên liệu sản xuất, dù phải tốn thêm chi phí vận chuyển.

Nếu như các làng nghề nhộn nhịp sản xuất thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL cũng chạy đua với tết. Ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết: “Hơn 1.100ha quýt hồng Lai Vung đặc sản đang được nhiều nông dân o bế cẩn thận để cung ứng thị trường Tết 2016. Bên cạnh đó, một số hộ như ông Lưu Văn Ràng (ngụ xã Vĩnh Thới) còn sản xuất quýt hồng trong chậu để phục vụ những gia đình có nhu cầu chưng ba ngày tết. Sản phẩm này mới xuất hiện mấy năm nhưng có sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng và năm nay hứa hẹn tiếp tục hút hàng”. Tại Cần Thơ và Hậu Giang, những nông dân sản xuất dưa hấu thỏi vàng có chữ “Tài Lộc” và bưởi hồ lô, bưởi bàn tay Phật; đặc biệt là bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang phải “canh” ngày đêm bởi lo ngại thời tiết thay đổi làm ảnh hưởng tới “hàng độc”. “Dự định đợt này chúng tôi sản xuất khoảng 800 trái bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam, nhưng do thời tiết không thuận nên chỉ đạt khoảng 600 trái; dự kiến giá bán từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/trái”, ông Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) tiết lộ.

Không để thiếu hàng, tăng giá…

Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, đang triển khai khâu dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết 2016 theo hướng đa dạng, phong phú, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng; đồng thời chuẩn bị cung ứng các sản phẩm đặc sản cho thị trường TPHCM và các nơi khác… Từ nay đến Tết Bính Thân, các bộ phận chuyên môn thuộc sở và Chi cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, bán sản phẩm kém chất lượng… Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nói: “Đến nay đã có khoảng 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp tết, với tổng kinh phí dự trữ hàng hóa thiết yếu khoảng 31 tỷ đồng”.

Tại Cần Thơ, nơi có sức mua lớn nhất ở ĐBSCL nên các doanh nghiệp trên địa bàn đang tính dự trữ nguồn hàng hóa thường xuyên lên đến 430 tỷ đồng. Các mặt hàng như: gạo, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ quả, đường, dầu ăn, nước uống các loại… được các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn. Tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường tết sẽ treo băng rôn, niêm yết giá bán thấp hơn thị trườngtự do ít nhất 5% và hàng hóa phải đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, mở rộng kênh phân phối, tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp để phục vụ công nhân… Cùng với hệ thống các siêu thị như Lotte Mart Cần Thơ,  Co.opmart, BigC,  Vinmart, Metro cùng các đại lý phân phối… sẽ có thêm nhiều điểm bán hàng hóa cố định khác để phục vụ người dân mua sắm thuận lợi”.

BOX: Theo Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nhiều đặc sản phục vụ thị trường Tết 2016 với giá cả không tăng so với năm trước. Điển hình như tôm khô Vinh Kim loại 1 có giá từ 1,1- 1,2 triệu đồng/kg, tôm khô còn vỏ giá 550.000 đồng/kg, tôm tẩm 550.000 đồng/kg, khô cá dứa 350.000 - 500.000 đồng/kg, khô cá khoai 400.000 - 500.000 đồng/kg, bánh tét Trà Cuôn 50.000 - 70.000 đồng/đòn (tùy loại), chả Hoa Năm Thụy giá dao động 50.000- 160.000 đồng/kg…

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục