Tây Nguyên tái diễn nạn chặt phá cây trồng

Gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ phá hoại cây trồng gây thiệt hại lớn. Dù vậy, phần lớn các vụ việc đều trôi qua mà không tìm được thủ phạm.

Rơi nước mắt nhìn cây bị chặt

Chưa hết bàng hoàng khi toàn bộ gần 400 cây bơ ghép của gia đình bị người lạ chặt hạ, ông Lê Văn Ba (ngụ tại thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) lại phát hiện khu đất trồng cà phê rộng hơn 5.000m2 tiếp tục bị chặt ngang thân.

Ông Ba cho biết, gần 400 cây bơ ghép trồng được hơn 3 năm tuổi, trong đó có những cây đã cho trái bói, bị triệt hạ, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Vườn bơ này trồng 20 năm nay, trước đây chưa từng xảy ra chuyện tương tự.

“Tôi là một trong những người tố cáo việc nhiều đối tượng triệt hạ rừng cộng đồng tại xã Lộc Phú để chiếm đất. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra diện tích rừng cộng đồng bị triệt hạ tại tiểu khu 438A, thôn 4, xã Lộc Phú thì cũng là thời điểm vườn bơ của gia đình tôi bị kẻ xấu phá hoại”, ông Ba bức xúc.

Những ngày qua, gia đình bà Lê Thị Việt (43 tuổi, ngụ buôn Ko Dung, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng, không dám rời khỏi vườn nhà vì sợ kẻ xấu lẻn vào phá hoại. Cuối tháng 7 vừa qua, vợ chồng bà đi dự đám cưới em trai 4 ngày, khi về thì phát hiện hàng trăm trụ tiêu có dấu hiệu héo úa. Kiểm tra phát hiện tất cả gốc tiêu trên đều bị cắt sát gốc. Tổng cộng kẻ gian đã cắt 200 trụ tiêu (5 năm tuổi) và 3 cây sầu riêng (3 năm tuổi), ước tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Bà Việt nghẹn ngào: “Từ khi vườn tiêu bị cắt gốc, vợ chồng tôi chẳng ăn chẳng ngủ được, phần xót của, phần thì thấp thỏm, lo sợ kẻ gian lẻn vào rẫy tiếp tục phá hoại. Cứ đêm xuống mà nghe tiếng chó sủa là vợ chồng tôi vác đèn pin đi kiểm tra…”.

Không chỉ bị phá ở vùng nông thôn, mới đây một vườn cây ăn quả lâu năm của người dân tại TP Đà Lạt cũng bị kẻ lạ chặt phá.

Vườn cây của người dân tại TP Đà Lạt bị kẻ gian chặt hạ. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Ông Nguyễn Tài (64 tuổi, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt), cho biết, gần 40 cây bơ đã cho thu hoạch, nhiều cây hồng (hơn 10 năm tuổi) của gia đình bị người lạ dùng cưa máy phá, thiệt hại trên 70 triệu đồng. “Thời gian gần đây có người nghĩ tôi trình báo cơ quan chức năng khiến một số công trình không phép bị giải tỏa. Sau đó khu vườn bị người lạ cưa hạ”, ông Tài thở dài nói.

Khó tìm thủ phạm?

Bên cạnh những vụ cưa, chặt cây trồng, một số khu vườn còn bị kẻ gian khoan lỗ rồi dùng hóa chất bơm vào gốc để cây từ từ chết khô. Vườn sầu riêng của gia đình bà Đoàn Thị Thanh Thủy (thôn Tân Hòa, xã Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) xảy ra tình trạng héo lá, chết cành, rụng hoa, quả.

Qua kiểm tra thì phát hiện tất cả những cây sầu riêng này đều bị đục lỗ ở phần gốc. Xung quanh những gốc cây này, cỏ bị chết trụi, những cây cà phê xung quanh lá cũng bị héo quắt giống như bị xịt thuốc diệt cỏ. Ước tính thiệt hại của vườn khoảng 800 triệu đồng.

Luật sư Dương Lê Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đối với hành vi phá hoại tài sản, tùy từng mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm khác nhau. Nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù 2 - 7 năm. Trường hợp gây thiệt hại tài sản trên 500 triệu đồng thì người phạm tội có thể bị phạt tù giam 10 - 20 năm…
Để bảo vệ quyền lợi của mình, chủ sở hữu bị thiệt hại có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an đề nghị khởi tố vụ án hình sự và điều tra xác định đối tượng hủy hoại trên để khởi tố bị can.
Ông Trần Xuân Thế, Trưởng Công an xã Tân Lập, huyện Krông Búk, cho biết: “Đây là vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã. Trong những năm gần đây, sầu riêng có giá trị kinh tế rất lớn, là nguồn thu nhập chính của người dân tại địa phương. Chúng tôi đã báo cáo và phối hợp với Công an huyện Krông Năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc”. Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua, việc truy tìm thủ phạm vẫn không có kết quả.

Cũng lâm vào cảnh tương tự, gia đình anh Nguyễn Minh Hòa (28 tuổi, ngụ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) trồng hơn 3ha cà chua với khoảng 90.000 gốc đang phát triển tốt chờ thu hoạch thì đột nhiên bị chết khô hàng loạt, dấu hiệu giống bị phun thuốc trừ sâu.

“Dù tôi đã làm đơn tố cáo chủ cho thuê đất gây thiệt hại vườn cà chua của tôi tới 400 triệu đồng, nhưng qua 2 tháng, vụ việc vẫn chưa được làm rõ”, anh Hòa bức xúc. Còn ông Nguyễn Tài (TP Đà Lạt) lo lắng: “Nếu các vụ phá hoại cây trồng không được xử lý kịp thời và triệt để thì khu vườn của gia đình tôi sẽ tiếp tục bị cưa, chặt”.

Ông Tôn Thất Thanh Vũ, quyền Chủ tịch UBND phường 10, TP Đà Lạt, cho biết, các sự việc liên quan đến hủy hoại cây trồng thường xảy ra một thời gian chủ vườn mới phát hiện nên gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý. Những vụ phá hoại dù xuất phát từ động cơ nào cũng sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với người trồng cây. Còn theo Thượng tá Đinh Quang Thành, Trưởng Công an huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), do những vụ việc đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp thông tin.

Hàng ngàn cây keo tràm bị chặt phá

Ngày 15-8, Công an huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, bước đầu đơn vị đã tiến hành điều tra, xác định được danh tính của nhóm người cùng trú tại xã Hương Vĩnh, tham gia chặt phá hàng ngàn cây keo lá tràm của gia đình chị Trần Thị Thân (trú tại xã Hương Vĩnh). Theo đó, nhóm người này khai nhận do quá bức xúc vì cho rằng gia đình chị Thân vào trồng cây keo lá tràm trên phần diện tích đất của mình nên ngày 13-7 đã vào chặt phá, nhổ bỏ, bẻ gãy cây cối.

Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 13-7, chị Thân nhận được tin báo có người đang vào phá hoại vườn trồng cây keo lá tràm của gia đình mình tại khe Cù Lầy, xã Hương Vĩnh. Khi đến hiện trường để kiểm tra thì phát hiện có hàng ngàn cây keo lá tràm đã bị chặt phá, bẻ gãy, nhổ bỏ. Ngay sau đó, chị Thân đã trình báo sự việc lên công an xã và chính quyền địa phương.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục