Teo tóp xiếc thú

Mùa Tết Nhâm Thìn 2012, Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp Lê Hồng Lộc của Hà Nội đến “đại bản doanh” của Đoàn xiếc TPHCM – rạp xiếc Công viên 23-9 trình diễn và thu hút đông đảo khán giả đón xem. Điều này khiến không ít người cảm thấy chạnh lòng cho xiếc thú của TPHCM.

Mùa Tết Nhâm Thìn 2012, Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp Lê Hồng Lộc của Hà Nội đến “đại bản doanh” của Đoàn xiếc TPHCM – rạp xiếc Công viên 23-9 trình diễn và thu hút đông đảo khán giả đón xem. Điều này khiến không ít người cảm thấy chạnh lòng cho xiếc thú của TPHCM.

Còn nhớ vào những năm 2003, 2004 trở về trước, các chương trình xiếc của Đoàn xiếc TPHCM tại rạp xiếc Công viên 23-9 luôn có nhiều tiết mục xiếc voi, trăn, khỉ, gấu, chó, ngựa, chim bồ câu… Chính những tiết mục xiếc thú này đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khán giả. Tuy nhiên, các tiết mục xiếc thú đã mất dần theo thời gian với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Con bị bệnh chết, con dở chứng, cắn lại người… Đoàn xiếc TPHCM gần như bị mất đi hết tiết mục xiếc thú.

Theo ông Hồ Văn Thành, Trưởng đoàn xiếc TPHCM, do nhiều năm nay điều kiện cơ sở vật chất của đoàn luôn trong tình trạng tạm bợ, chẳng biết khi nào di dời nên dù rất muốn gầy dựng lại cũng không dám đầu tư. Bởi tiền đầu tư mua thú và thức ăn cho thú rất tốn kém. Điều kiện cơ sở vật chất của đoàn nằm ngay giữa trung tâm TP nếu không chắc chắn, thú bị sổng chuồng rất nguy hiểm. Chưa kể, diễn viên biểu diễn xiếc thú cũng đang ngày một ít, bởi vất vả và ít có cơ hội đi biểu diễn trong, ngoài nước nên nhiều người đã xin chuyển công tác.

Muốn có được những tiết mục xiếc thú mang tầm cỡ quốc tế, rõ ràng đòi hỏi Đoàn xiếc TPHCM phải được đầu tư rất nhiều và đồng bộ. Trong đó có thể kể đến chuồng trại phải rộng rãi, thoải mái, đủ điều kiện nuôi dưỡng, huấn luyện thú; mỗi loại thú có số lượng nhiều con, thành bầy đàn, tạo sự tự tin, môi trường thân thiện ở thú… Đồng thời, việc đào tạo diễn viên, huấn luyện thú và các chế độ, chính sách dành cho diễn viên xiếc thú cũng cần có những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu phát triển. Có thể nói, đó là những ước mơ của những người làm xiếc thú ở Việt Nam hiện nay chứ không riêng gì của Đoàn xiếc TPHCM.

Trước mắt, để vượt qua khó khăn, đáp ứng phần nào nhu cầu phuc vụ khán giả, Đoàn xiếc TPHCM thường xuyên mời các tiết mục xiếc thú từ Đoàn xiếc Nhân dân Long An, Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp Lê Hồng Lộc hay các nhóm xiếc thú gia đình tại TPHCM biểu diễn. Anh em trong đoàn hy vọng sắp tới đây, khi được di dời về Công viên Gia Định, với điều kiện thoáng mát hơn, đoàn sẽ đầu tư một số tiết mục nổi bật song song với giải pháp xã hội hóa nhằm khôi phục, làm khởi sắc xiếc thú TPHCM. 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục