“Tết hẹn” trên đảo Bé

Từ đất liền, mất 2 giờ rong ruổi ra đảo Lý Sơn. Và từ đảo Lý Sơn nhìn về phía Đông Bắc, còn có một hòn đảo bé tí, ẩn hiện trong sóng gió như một đứa con lưu lạc. Đó chính là đảo Bé, xã An Bình huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, nơi có 500 nhân khẩu vẫn ngày đêm bám trụ với muôn vàn khó khăn. Nhưng khác với những cụm dân cư trên khắp đất nước ta, người dân nơi đây đón một cái tết khá đặc biệt: Tết hẹn.

Cũng vì quá tò mò bởi cái tên Tết hẹn, nên mặc dù đã là những ngày cận tết, chúng tôi cũng háo hức thuê đò vượt biển để sang đảo Bé. Nhà cửa trang hoàng. Hoa nở rực rỡ? Không có. Bánh mứt, câu đối, rượu bia bán đầy lối đi? Cũng không có. Ông Phan Đình Phương quên khuấy câu hỏi tết đến, xuân về có gì mới không, mà cứ ngẩn ngơ, nhắc chuyện bão. Nguyên nhân, những cơn bão trong năm đã tiếp tục “gặm” vào phía Tây đảo Bé và lôi tuột ra biển hai hàng dừa. Ông nhẩm tính, mất cả trăm m2 đất, xót hơn cả vết cắt chà muối. Đối với đảo Bé, chuyện này sánh ngang với tin động đất. Bởi, cứ đều đều như thế, hòn đảo này vốn đã bé lại tiếp tục bé thêm.

Trên sân xi măng của bưu điện xã, bà Nguyễn Thị Tám đang lụi hụi với đống lá chuối, lá gai phơi nắng. Không khí tết của đảo Bé đó ư? Đúng vậy. Chỉ có thế. Ngày tết, tất cả các gia đình trên đảo Bé đều nhất loạt gói bánh ít lá gai. Nên bà Tám mưu sinh bằng nghề bán lá chuối để kiếm tí tiền đong gạo. Hiện nay, một ký lá chuối khô giá 20.000 đồng. Một cái tết, như tết năm nay, bà kiếm vỏn vẹn trên 100.000 đồng. “Bốn đứa con có vợ, có chồng sang đảo lớn ở hết, già cả rồi chỉ biết lượm lặt ít đồng rơi vãi chớ biết làm gì cho ra tiền hả con” - tiếng của bà bạt đi trong gió biển mằn mặn hơi muối. 

“Muốn ăn bánh ít lá gai - lấy chồng đảo Bé cho dài đường đi”, chị Nguyễn Thị Thạnh vừa hát nghêu ngao vừa cười. Câu ấy ở đâu ra vậy? Tôi hỏi, chị cười, tếu táo: “Của dân đảo Bé mình hồi giờ chớ ai vô nữa em”. Từ đảo lớn sang đảo Bé vào những ngày cuối năm này đã trở nên xa vời. Nghe được câu này, bỗng thấy quãng đường trở về đảo lớn như dài thêm ra, đằng đẵng. Không kịp giải nghĩa câu vè này cho khách, chị quay sang cân lá gai khô cho hàng xóm. 40.000 đồng/kg lá gai khô. Phải mất một năm đi hái lá về trữ đến tết, gia đình chị mới thu nhập được số tiền chưa đến 400.000 đồng. Trên đảo chỉ có 3 gia đình chuyên trồng lá gai để hẹn ngày tết như chị.

Mỗi gia đình trên đảo Bé thường làm 100 - 200 cái bánh ít để ăn tết. Bánh ít có nhiều loại nhân: dừa, đậu phộng, đậu đen, đậu xanh. Nhưng đa phần bà con làm bánh nhân dừa để sử dụng đến tận giữa tháng giêng. Ngày 28 Tết, cả đảo Bé mới nhất loạt nổi lửa luộc bánh. Sáng mùng 2 – 3 Tết, người dân đảo Bé qua đảo lớn để xem các lễ hội đua thuyền. Có người mua xe 2 bánh gắn máy nhưng phải gởi bên đảo lớn, ngày tết về đảo lớn lấy xe cưỡi lòng vòng cho đỡ cảm giác tù túng. Và đến mùng 9, người dân đảo lớn bắt đầu ghé sang thăm những người bà con của mình ở đảo Bé.

Chú tìm chỗ mua hàng tết hả? Một chị chỉ tay vào “siêu thị” ở con hẻm giữa xóm. Khác với đất liền, bánh kẹo bán tết không nằm trên quầy trên sạp mà được đổ từ ngoài sân vào đến giữa nhà. Cứ mỗi dịp cận tết, chị Võ Thị Vấn và chị Vương Thị Thu, từ đảo Lý Sơn lại chuyển hàng sang và mượn căn nhà này làm điểm cung cấp hàng tết cho bà con đảo Bé. Ở đảo Bé, có 2 gánh hàng hoạt động kiểu này. Mỗi gánh hàng trị giá 10 triệu đồng. Nếu mang số tiền này chia đều cho 510 nhân khẩu trên đảo Bé, mỗi người dân ăn tết chưa tới 40.000 đồng.

Gọi là tết hẹn, bởi nhiều người dân trên đảo không đủ tiền để chi trả cho cái tết, mặc dù số tiền này so ra hoàn toàn không lớn. Chính vì vậy, người mua hàng chỉ trả một nửa số tiền để về vui tết đón xuân, nửa còn lại thì ngóng chờ vụ mùa sang năm. Bà Phạm Thị Út, người dân đảo Bé lúc lắc túm bánh thổ lộ, tết năm nay bà mua bánh kẹo, dầu ăn và mấy thứ nữa, tổng cộng là 170.000 đồng. Nhưng bà chỉ có 100.000 đồng để trả, hẹn đến mùa hành tỏi sang năm, bà sẽ trả nốt 70.000 đồng còn lại”.

ĐĂNG BẢY - VĂN CHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục