Tết về trên nẻo nhớ thương

Chỉ một tuần nữa, hai mẹ con tôi sẽ có mặt trên chuyến bay TPHCM – Hà Nội về ngoại ăn tết. Con trai hơn 2 tuổi đang bi bô tập nói và luôn tò mò về mọi thứ xung quanh. Tôi háo hức muốn cho con trải nghiệm tết cổ truyền của một làng quê miền Bắc. Càng gần đến ngày về, lòng tôi càng khắc khoải hoài niệm những ngày tết xưa khi gia đình còn khốn khó.

Chị em tôi ngày đó nào đâu hay nỗi lo của mẹ cha về một cái tết no ấm đủ đầy. Trẻ con nhà nghèo chỉ mong đến tết để được mua một bộ đồ mới, được ăn uống thỏa thuê và được rồng rắn đi chúc tết nhận lì xì.

Những ngày giáp tết, cả làng tôi rộn ràng, tấp nập bánh trái. Ngoài bánh chưng, nhà nào cũng gói thêm bánh gai nên cứ đến 27, 28 tết, lũ trẻ con lại lon ton theo mẹ xếp hàng nghiền bột. Ngày xưa chưa có bột bán sẵn nên các bà các mẹ phải làm bánh từ lá gai khô. Tôi nhớ như in dáng mẹ ngồi trước sân, dưới những vạt nắng non buổi sớm, tỉ mẩn nhặt bỏ từng cọng cỏ hay nhành cây khô lẫn vào trong lá. Nhặt lá xong, mẹ sẽ ngâm nước qua đêm cho lá nở, sau đó rửa sạch và vắt kiệt nước, cuối cùng mới đem đi nghiền với gạo nếp. Nếu bánh chưng được gói bằng lá dong tươi thì bánh gai được gói bằng lá chuối khô. Năm nào chị em tôi cũng được mẹ giao nhiệm vụ rửa sạch từng chiếc lá.

Tới ngày gói bánh, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu cũ trải bên hè, xung quanh la liệt nào rổ lá, bó lạt, chậu bột, nhân bánh, mè rang… Chị cả chọn lá, chị hai chia bột, mẹ nặn và gói bánh, tôi cùng em gái lăng xăng vòng ngoài. Cuối buổi, từng chục bánh được mẹ buộc chung vào một dây lạt cho dễ lấy ra sau khi luộc chín. Mẹ lẩm nhẩm đếm được hơn trăm chiếc sẽ biếu nhà bà hai ngoài Hà Nội vài chục, mang lên nhà bà ngoại thắp hương vài chục, còn lại vài chục để bày bàn thờ ở nhà. Tính vậy mà năm nào ra giêng, trên tường nhà cũng chi chít những dây bánh gai của họ hàng mang biếu.

Sáng 29 tết, bố cẩn thận hạ lư đồng cùng đôi hạc trên bàn thờ xuống hì hục đánh bóng. Tôi cùng em gái được phân công lau sạch bụi trong khe từng họa tiết hoa văn của chiếc sập mà tuổi đời còn nhiều hơn cả bố. Khi những tia nắng vàng ruộm xuyên qua khe mành mang theo muôn vàn những hạt li ti lóng lánh chiếu lên di ảnh của ông nội, tôi nheo mắt nhìn theo chợt thấy nụ cười mỉm của người quá cố.

Khẽ giật mình dụi tay vài lần vào bầu mắt nhỏ, trước mặt tôi lại là bình cúc chói chang màu nắng mẹ vừa khẽ đặt lên ban thờ. Tôi tự nhủ do mình hoa mắt, chỉ là tấm hình thôi sao có thể mỉm cười. Rồi tôi lại lon ton phụ mẹ bày mâm ngũ quả cùng bao nhiêu là bánh là mứt. Mẹ bật lửa châm vòng nhang trầm, tôi nghe mùi hương theo làn khói vương vấn khắp gian nhà mà thấy lòng bình yên đến lạ. Cứ qua giao thừa, chị em tôi lại theo mẹ đi chùa, mùi hương trầm ngào ngạt tỏa ra từ nơi ngự của các pho tượng phật làm đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên tưởng đó là mùi của Đức Phật từ bi.

Sáng mồng 1, nghe tiếng mẹ gọi vọng vào từ gian ngoài, chị em tôi vươn vai chui ra khỏi chiếc chăn bông con công ấm áp, tay chân nhảy nhót háo hức diện đồ mới. Chỉ là chiếc quần xanh và cái áo sơ mi trắng mặc bên ngoài quần áo len giữ ấm cũng đủ làm những đứa trẻ nhà nghèo hân hoan đón tết. Mẹ bảo mua quần xanh, áo trắng vừa mặc tết vừa mặc đi học được cả năm. Ăn vội miếng bánh chưng thơm mùi nếp mới cùng khoanh giò lụa bao ngày ước ao, thêm chiếc nem giòn rụm nhân thịt chứ không phải tóp mỡ như mọi ngày, tôi xuýt xoa ngon quá, mẹ ơi. Ăn chưa xong bữa, chúng tôi đã nghe tiếng gọi nhau í ới từ xa xa ngoài cổng, là các thím cùng mấy đứa em họ sang nhà tôi chúc tết. Hai chị em vội vàng buông bát đũa, chạy ù ra sân tíu tít nhập đàn.

Tết xưa nay chỉ còn trong miền nhớ nhưng nếp nhà tôi vẫn còn đó dù rêu phong theo biến thiên của đất trời. Tôi mong mình có thể cùng con lưu giữ những nét cổ truyền ngày tết ở nơi tôi đã sinh ra. Càng trưởng thành, người ta càng sống bằng hoài niệm, luôn muốn tìm lại cảm giác xưa cũ dù cảnh vật đã nhiều phần đổi thay. Tôi còn đương ở nơi đất khách mà đã thấy như tết về trên những nẻo nhớ thương.

BÍCH NGỌC

Phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu

Tin cùng chuyên mục