Tết về với mẹ là về với yêu thương

Buổi sáng của những ngày tháng Chạp, bất chợt nhìn thấy trước mắt hình ảnh của những lọn khói đang thi nhau đùa giỡn trên nền trời còn đẫm sương đêm lấp lánh.

Bà ngoại cùng cháu rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng đón tết
Bà ngoại cùng cháu rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng đón tết

Cảnh tượng ấy đánh thức trong tôi ký ức của cái thời ấm áp, vui tươi xa vời vợi. Ai đó đã từng nói: “Người già hay sống bằng hoài niệm”, nhưng không với tôi - một đứa con trong vô vàn những đứa con của những người mẹ trên thế giới rộng lớn này cũng đang sống trong hoài niệm. “ Mùi khói” bếp nhà ai nổi lửa sớm hôm hay chính mùi khói của mẹ ở quê nhà sớm sớm, chiều chiều vẫn ấm nồng lan tỏa để đếm từng ngày chờ đợi những đứa con phương xa về nhà cùng mẹ đón cái tết đoàn viên ấm cúng trong căn bếp nhỏ…

Những ngày giáp tết của những năm mấy chị em tôi còn nhỏ ngày xưa ấy. Còn gì hạnh phúc và niềm vui sướng như nhảy ra khỏi lồng ngực mỗi độ nàng xuân đang khoe mình trên những lộc non mới nhú. Nắng như những chú nhện chăm chỉ nhả ra những sợi tơ vàng óng trải thảm hoa dài trên triền núi, nương ngô. Ấy là lúc chị em chúng tôi biết mình cũng sẽ được mẹ sắm cho mỗi đứa một bộ quần áo mới để diện 3 ngày tết.

Tết còn như “ bữa tiệc xa xỉ” để mấy chị em được thưởng thức cơ man nào bánh mứt và chẳng thể thiếu những món ngon tỏa hương thơm ngào ngạt từ căn bếp nhỏ thơm mùi yêu thương của hai đấng sinh thành. Bếp của mẹ những ngày giáp tết lúc nào cũng đỏ lửa. Sáng sớm, khi mấy đứa con của mẹ còn như lũ mèo lười trốn kỹ trong chăn vì cái lạnh sương muối, mẹ đã lụi cụi nhóm lửa làm căn bếp như bừng tỉnh. Bóng mẹ hắt trên vách bếp cái dáng ngồi quen thuộc của người mẹ tần tảo sớm hôm vì đàn con thơ dại…

28 tết cả nhà quây quần chuẩn bị gói bánh chưng. Bụi lá dong ngoài vườn nhà được mẹ chăm bón kỹ càng đang rì rầm, lao xao nói chuyện với cô gió việc sắp hiến thân mình cho gia chủ để chút nữa có thể gói ghém bao yêu thương của nhân gian vạn vật vào chiếc bánh hình vuông tượng đất trong truyền thuyết từ đôi tay khéo léo của bố. Tối đến bên bếp lửa bập bùng ấm cúng, bố vừa gói vừa chỉ mấy chị em cách lau lá, cắt lá, rồi cách gói bánh sao cho vuông vức…

Chiều 30 tết, chen lấn cơ man nào “mùi tết” thì chẳng thể thiếu hương thơm ngào ngạt của những cây mùi già mẹ dành dụm nấu nồi nước thơm sóng sánh ánh vàng tắm gội cho đàn con thơ. Vẫn trong gian bếp nhỏ vấn vít, thơm lừng cơ man nào “ hồn cốt” mùi tình thân ấm nồng hạnh phúc. Hương thơm nồi canh măng vàng óng được nắng của cô gái Thái Tây Bắc nấu cùng những viên mọc điểm xuyến chút nấm hương rừng thơm ngát, mùi xôi nếp nương thơm dẻo quấn quện cùng mùi nem rán thơm lựng mũi, mùi của đĩa giò xào được bố nén kỹ hay mùi ngầy ngậy béo bùi của đĩa thịt kho đông đang được bao phủ một lớp mỡ mỏng trắng ngần như tuyết, hương thơm chua dịu của đĩa hành muối tỏa ra từ chiếc chum sành cũ kỹ thắm vị đợi chờ bao năm mẹ gìn giữ hơn báu vật đời mình, mùi bánh chưng xanh tỏa thơm tiêu bắc. Bố đã chuẩn bị mâm cơm tất niên tươm tất toàn những món đặc sản gia truyền của gia đình. Rồi bố trang trọng đặt mâm cơm lên bàn thờ gia tiên lẩm nhẩm khấn vái. Mùi nhang trầm bảng lảng, mùi tết quen thuộc tỏa khắp không gian...

Ký ức như một cuốn phim dài tập đưa những đứa con những ngày cuối năm muốn được về nhà thật nhanh để được sống lại những hoài niệm của một thời xa vắng. Được bước vào căn bếp đã trở thành nhân chứng, là một phần chắp cánh cho những đứa con của mẹ vùng vẫy ở những vùng trời xa. Chuông điện thoại lại reo vang. Vẫn câu nói bao năm mẹ hỏi hoài chẳng chán: “ Tết, hăm mấy bây về? Hai tiếng “về nhà” luôn thôi thúc.

Về với mẹ là về với yêu thương. Về với căn bếp nhỏ nơi chứa đựng cả mùa xuân của mẹ. Về với cái dáng hao gầy chẳng còn nhanh nhẹn ngày xưa. Về để được cùng đôi bàn tay chai sạn, gân xanh chằng chịt của mẹ lột những vỏ hành đem muối như lột từng mảnh của ký ức yêu thương diệu vợi. Về để được cùng mẹ sắm một cái tết đoàn viên ấm cúng tưởng nhớ người đi xa, bởi 15 năm qua tết đoàn viên của gia đình tôi vắng hơi ấm thân quen của bố. Chúng tôi vẫn yêu mùa xuân, yêu cái dáng tần tảo sớm hôm rịn đầy mồ hôi trên má của mẹ, nhưng trong tình yêu ấy lẩn khuất đâu đó nỗi sợ chơi vơi không nói thành lời, nỗi sợ khi mùa xuân đến sẽ làm khuyết lẹm dần đi mùa xuân đời mẹ.

“Mẹ ơi! Chúng con sẽ về bởi: “ Quà nào bằng gia đình sum họp – Tết nào vui bằng tết đoàn viên”. Tôi muốn về thật nhanh để thêm một lần và tôi ước thật nhiều lần nữa mỗi mùa xuân về tôi sẽ lại có mẹ đợi chờ, để chúng tôi được cùng mẹ quây quần bên mâm cơm đoàn viên. Được ngồi trong căn bếp đong đầy ký ức nhóm lên những tia sáng của tình yêu để được chia sẻ yêu thương, được nghe mẹ nhắc nhở cội nguồn, tình thân, sum họp quây quần.

PHẠM THỊ YẾN

Giáo viên Trường THCS19/5 xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Email: yennhi.ms@gmail.com

Tin cùng chuyên mục