Thách thức của hội nhập

Mới đây, khi vinh danh đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và học sinh xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cả nước lại giật mình khi nghe các nhân tài thổ lộ… yếu tiếng Anh.

Mới đây, khi vinh danh đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và học sinh xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cả nước lại giật mình khi nghe các nhân tài thổ lộ… yếu tiếng Anh.

Tỏa sáng thành tích - giành hai huy chương vàng Toán quốc tế trong hai năm liên tiếp, nhưng ngôi sao sáng nhất của đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam là Nguyễn Thế Hoàn lại bộc bạch nỗi niềm đầy trăn trở. Đến đấu trường quốc tế, Hoàn và đồng đội mới hiểu sâu sắc sự hạn chế của việc yếu ngoại ngữ. Nếu giao tiếp thành thạo tiếng Anh thì đoàn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều. Và cũng từ hạn chế khi tiếp xúc, cọ xát với thế giới này, nhân tài Toán học đề đạt mong ước Nhà nước, Bộ GD-ĐT tạo điều kiện tốt hơn cho việc trau dồi ngoại ngữ của học sinh.

Bức xúc của những nhân tài đã khiến Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tỏ ra tiếc nuối. Bởi lẽ, các em đã học trong các trường chuyên, có sẵn tố chất thông minh, học giỏi các môn khoa học tự nhiên nhưng lại yếu thế về môn ngoại ngữ “vua” tiếng Anh. Nguyên nhân này xuất phát từ thực tế các em ở vùng quê, vùng xa thiếu điều kiện học ngoại ngữ cũng như môi trường thực hành - giao tiếp theo chuẩn quốc tế. Như thế lỗi tại chúng ta, tại ngành giáo dục địa phương đầu tư thiếu bài bản, không tạo ra môi trường dạy - học tiếng Anh theo chuẩn? Đây là lỗ hổng cần phải trám gấp để nhân tài, trí tuệ Việt Nam sẽ tự tin, tỏa sáng trên đấu trường quốc tế trong tương lai.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã mở rộng cơ hội học ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 1 và tạo đà cho việc dạy - học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Thế nhưng, nhìn lại đề án này còn ngổn ngang, rối mù vì thiếu nhiều thứ và yếu nhất vẫn là trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở các bậc học. Dù đầu tư bồi dưỡng tốn kém nhưng họ không thể cải thiện được năng lực, trình độ để đạt chuẩn và dạy hiệu quả như kỳ vọng. Mệnh lệnh đổi mới giáo dục đòi hỏi phải đào tạo thế hệ giáo viên mới đủ chuẩn dạy tiếng Anh và các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh, nhưng đến giờ này các cỗ máy sư phạm vẫn chưa chuyển động mạnh. Hơn nữa, nhiều giáo sinh giỏi tiếng Anh nhưng lại rũ áo sư phạm ra ngoài làm việc để có thu nhập cao hơn. Cái khó của ngành “trồng người” - lương thấp, chế độ đãi ngộ bèo bọt là thế! Như vậy, một khi chưa thể thay thế lớp giáo viên tiếng Anh thiếu chuẩn bằng đội ngũ giỏi nghề, đạt chuẩn trình độ theo khung tham chiếu châu Âu đối với các bậc học thì chúng ta tiếp tục phải trả giá về việc dạy và học tiếng Anh không hiệu quả, lãng phí thời gian, công sức. Không những thế, những câu chuyện buồn lòng khi học trò chê thầy cô nói sai, phát âm không chuẩn ngày một tăng. Trong xu thế chủ động đầu tư, trang bị hành trang ngoại ngữ, một bộ phận học sinh ở THCS và THPT ở các thành phố lớn nói tiếng Anh lưu loát, trình độ cao hơn thầy cô đang gia tăng. Đây là sự thật đáng buồn của ngành giáo dục nước nhà và làm cách nào cải thiện bức tranh này?

Theo công bố mới đây của Tổ chức Giáo dục quốc tế Education First (EF), Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia trong bảng xếp hạng về năng lực Anh ngữ các quốc gia năm 2015. Chỉ số này của Việt Nam đã tăng 4 bậc so với năm 2014 và cao hơn so với một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia… Tuy chưa thực sự hài lòng nhưng chúng ta cũng xem đây là tín hiệu vui vì những nỗ lực đầu tư dạy - học tiếng Anh của toàn xã hội đã mang lại hiệu quả nhất định, năng lực ngoại ngữ của học sinh Việt Nam tăng theo từng năm. Từ thực tế về mặt bằng tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam còn yếu, khả năng giao tiếp yếu đang là nỗi lo trước thềm cánh cửa ASEAN mở rộng và thách thức gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Cơ hội mở ra rộng hơn nhưng thách thức, cạnh tranh sẽ lớn hơn và nếu thiếu hành trang ngoại ngữ thông thạo thì giới trẻ chúng ta sẽ bị loại khỏi sân chơi này, nhường chỗ cho những ai hội đủ kỹ năng công dân toàn cầu.

Vậy làm thế nào để giới trẻ Việt Nam tự tin nói tiếng Anh lưu loát, thông thạo? Nếu Bộ GD-ĐT và ngành GD-ĐT các địa phương không có giải pháp đột phá, bài bản hơn, hiệu quả hơn trong việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên đạt chuẩn, mở rộng các chương trình dạy song ngữ trong trường phổ thông, tạo môi trường giao tiếp, thực hành chuẩn… thì rào cản yếu thế ngoại ngữ vẫn là thách thức đối với hành trình hội nhập quốc tế.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục