Theo báo cáo của Greenpeace và AirVisual, quá nửa trong tốp 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thuộc về Trung Quốc và nếu tính trong tốp 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì Trung Quốc chiếm hơn 2/3.
Bắc Kinh đã thoát khỏi danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất ở châu Á trong những năm gần đây, với mức độ ô nhiễm chung thấp hơn 10% so với các thành phố trên khắp Trung Quốc (tính từ năm 2017 -2018). Theo AirVisual, Thượng Hải, trung tâm tài chính của nước này, cũng đã có những tiến bộ về môi trường, như áp dụng các quy định tái chế nghiêm ngặt.
Quay lại vấn đề ô nhiễm khu vực nông thôn, theo Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc, trong hai quý đầu năm nay, toàn quốc đã có hơn 50.000 trạm xử lý rác thải sinh hoạt và khoảng 80.000 cơ sở xử lý nước thải được xây dựng ở các vùng nông thôn.
Ông Lý Vĩ Quốc, quan chức bộ này cho biết, trong hơn 6 tháng qua đã có hơn 40 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 30 triệu tấn bùn thải ở khu vực nông thôn được xử lý. Tờ Chinadaily đưa tin rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm, nước thải chưa qua xử lý hiện đang hoành hành ở hơn 80% khu vực nông thôn. Tính riêng trong năm 2018, cả nước đã tu sửa, nâng cấp và xây mới được trên 10 triệu nhà vệ sinh ở khu vực nông thôn, trong đó có 60% đã được lắp đặt các thiết bị xử lý chất thải. Ước tính, chỉ riêng kế hoạch phát triển, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh cho dân cư nông thôn đã tiêu tốn 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,02 tỷ USD).
Theo kế hoạch 3 năm làm sạch môi trường Trung Quốc công bố hồi đầu năm 2018, môi trường sống ở khu vực nông thôn sẽ được cải thiện đáng kể vào cuối năm 2020. Mục tiêu là triển khai 100% hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt và nhà vệ sinh ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, chính phủ cũng phân bổ thêm 3 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ 141 huyện nghèo ở khu vực phía Tây của đất nước cải thiện môi trường.
Các chuyên gia nghiên cứu về môi trường nông thôn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, môi trường ở nông thôn bị hủy hoại bởi các vấn đề như nước thải và rác thải không qua xử lý và thiếu nhà vệ sinh với các thiết bị cơ bản. Điều này đã trở thành một thách thức lớn lao. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc nên tăng đầu tư vào các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, và nên khuyến khích mọi thành phần, nhất là khu vực phi chính phủ tham gia vào sự nghiệp này. Chính quyền các cấp chỉ nên lập kế hoạch chi tiết và điều chỉnh dựa trên các điều kiện khác nhau của từng khu vực mà thôi.
Kể từ năm 2008, Bắc Kinh đã sử dụng một lượng lớn thời gian và tiền bạc để giải quyết các vấn đề về chất lượng không khí, nhưng họ cũng gặp phải vấn đề khó là làm sao vừa xử lý các mối quan tâm về môi trường vừa tránh các hành động làm chậm tăng trưởng kinh tế. Nền công nghiệp tăng trưởng nhanh của Trung Quốc trước đây thường ít chú trọng đến tiêu chuẩn an toàn, nhất là trong vấn đề khí thải. Hơn nữa, ngay cả khi trung ương tuyên chiến với ô nhiễm thì vấn đề này lại chưa chắc được quán triệt tại địa phương, nơi các quan chức vì tư lợi sẵn sàng tham nhũng môi trường.