Thách thức trong phát hành phim trên mạng

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn Internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đã mở ra thị trường phát hành rộng lớn với phim ảnh. Đây là cơ hội để điện ảnh Việt có thể tiếp cận với khán giả thế giới, song cũng là thách thức buộc nhà làm phim, nhà quản lý phải thay đổi để có những bước tiến phù hợp.
Nhiều gia đình chọn xem phim và các chương trình giải trí trên các nền tảng truyền hình Internet trả tiền. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhiều gia đình chọn xem phim và các chương trình giải trí trên các nền tảng truyền hình Internet trả tiền. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Công nghiệp giải trí số lên ngôi

Nếu trước đây các rạp chiếu vẫn được coi là “đầu ra” có yếu tố quyết định đối với điện ảnh, thì nay cấu trúc thị trường điện ảnh đã thay đổi. Từ đầu năm 2020 tới nay, nhiều lễ ra mắt phát hành phim tạm thời bị hoãn bỏ, các rạp chiếu phim thường trải qua các giai đoạn đóng cửa hoặc hạn chế số lượng người xem trong rạp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thay vì xem phim tại rạp thì chuyển qua xem phim trên các phương tiện Internet. 

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, hiện cả nước có 36 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, tạo nên quy mô thị trường đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng, số thuê bao xấp xỉ 16 triệu, hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 800 tỷ đồng.

Ông Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ, hiện có tới 70% lưu lượng truy cập Internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, YouTube... đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập Internet trong các hộ gia đình. Trong đó, nền tảng xem phim trực tuyến ghi nhận rõ ràng những thay đổi này. Theo một số thống kê, từ năm 2019, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu.

Như vậy, dưới góc độ cạnh tranh, các giải pháp xem phim dựa trên nền tảng Internet đang làm thay đổi cấu trúc thị trường điện ảnh tại Việt Nam. Sự biến chuyển trong xu hướng xem phim ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khiến nhiều “ông lớn” điện ảnh như: Walt Disney, Comcast cũng phải lấn sân sang nền công nghiệp giải trí số. Việc Mulan, Wonder Woman được đầu tư “khủng” lên đến 200 triệu USD nhưng phát hành trực tuyến là minh chứng rõ rệt cho xu hướng này.

Ở Việt Nam, sau gần 2 năm gặp khó bởi dịch Covid-19, các ứng dụng cung cấp nội dung trực tuyến như Galaxy Play, FPT Play, Galaxy Play, VietON… cũng nhanh chóng thu hút khán giả Việt khi tìm cho mình hướng đi riêng. Rất nhiều phim điện ảnh Việt đã nhanh chóng chuyển sang công chiếu độc quyền trên nền tảng xem phim trực tuyến khác nhau, như Tiệc trăng máu, Chị chị em em, Mắt biếc, Cua lại vợ bầu… Phim Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả mới chiếu rạp gần đây cũng xây dựng phương án phát hành trên mạng nhằm sớm kiếm thêm doanh thu.

Sửa đổi quy định để phù hợp xu thế

Tuy nhiên, với loại hình phát hành phim trên nền tảng công nghệ mới, nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định pháp luật Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân. Thực tế, một số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, như Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta, Bà Ngoại trưởng, Pine Gap; nội dung vi phạm về văn hóa khá phổ biến do quan điểm, lối sống phương Tây khác biệt với văn hóa Á Đông, như Vũ công nhỏ đáng yêu, 365 ngày, Polar, loạt truyền hình thực tế Too hot, too handle....; cá biệt có những phim làm sai lệch lịch sử Việt Nam như phim tài liệu “Việt Nam War”.

Với quy định hiện hành, các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực ngăn chặn các nội dung không phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Ví dụ những nội dung xuyên tạc chủ quyền và làm sai lệch lịch sử, Bộ TT-TT đã có yêu cầu Netflix gỡ bỏ. Tuy nhiên, để thể chế hóa các quy định quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nhằm ngăn chặn có hiệu quả mọi loại nội dung xấu, kể cả những nội dung gây ảnh hưởng về văn hóa, thuần phong, mỹ tục do khác biệt về quan niệm, nhận thức của doanh nghiệp nước ngoài thì cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp xu thế công nghệ và dịch vụ hiện nay.

Liên quan tới loại hình phổ biến phim trên nền tảng mới, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cho rằng, cần phải quy định cụ thể, rõ ràng nếu áp dụng hình thức “hậu kiểm” với phim phổ biến trên mạng để không gây tranh cãi về phân loại phim cũng như những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.

Dưới một góc nhìn khác, bà Ngô Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty BHD, nêu ý kiến, để góp phần tối đa hóa lợi nhuận của phim điện ảnh Việt, cũng nên áp dụng quy chế về thời gian dành cho phim trong nước trên các nền tảng khác như dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên Internet…

Theo bà Hạnh, trước đây, khi Bộ VH-TT-DL đặt ra quy chế 50% giờ vàng dành cho phim trong nước, nhiều người nói là không thể làm được. Song thực tế sau vài năm, sóng giờ vàng của các đài lớn thậm chí là 0% dành cho nội dung nước ngoài. Do đó, áp dụng những hình thức như thế này nhiều hơn cho các đài truyền hình, đặc biệt các nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước nếu muốn vào Việt Nam, cũng sẽ góp phần tạo được sức bật điện ảnh trong nước.

Tin cùng chuyên mục