Thách thức trong phát triển dịch vụ công trực tuyến

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được xem là mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.

Theo Bộ TT-TT, Cổng Dịch vụ công quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2023 có 3,6 triệu tài khoản đăng ký mới, nâng số tài khoản lũy kế là 7,7 triệu; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2.390 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá. Đơn cử, tháng 6-2023, tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có tổng vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Theo Thủ tướng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến (theo tiêu chí đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, an ninh) hiện còn thấp, chưa đạt kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia còn thấp. Thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn. Cùng với đó là ưu tiên phát triển các nền tảng, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức nhìn nhận, sự vận hành của các cổng dịch vụ công trực tuyến hiện vẫn còn nhiều vấn đề như: tiện ích chưa cao, tính năng chưa hoàn thiện, dữ liệu chưa đồng bộ và thống nhất… Điều đó khiến rất nhiều người dân và doanh nghiệp khó nắm bắt, tiếp cận và sử dụng. Trừ một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, có tính toàn quốc như về thuế, cấp đổi hộ chiếu và căn cước công dân, đổi bằng lái xe, khai báo hải quan…, hầu hết các dịch vụ công trực tuyến ở cấp tỉnh, bộ, ngành vẫn rất khó sử dụng.

Chính phủ yêu cầu đến năm 2025 phải cắt giảm được 20%-25% thủ tục hành chính không cần thiết. Đây là một thách thức rất lớn. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đã yêu cầu xác định lại tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến hiện nay. Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh, nếu thấp thì cũng phải chấp nhận và lấy đây là động lực để phấn đấu. Làm sao để mọi người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu đều dễ dàng tiếp cận, sử dụng thuận tiện với nhiều tiện ích và tiết kiệm.

Tin cùng chuyên mục