Chính quyền địa phương 2 cấp - Tăng tốc ngay khi khởi động - Bài 1: Kết nối đô thị, phục vụ người dân

Là siêu đô thị với hơn 14 triệu dân, TPHCM đang vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với những thách thức không nhỏ. Trong thời gian ngắn, ở TPHCM đã có những đổi thay lặng lẽ nhưng bền bỉ, trong từng cách phục vụ, cuộc họp ở phường, xã, thao tác cải tiến thủ tục.

LTS: Sau sắp xếp đơn vị hành chính, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên cả nước bước vào giai đoạn tăng tốc mạnh. Từ thành phố lớn đến xã vùng sâu, mỗi chính quyền cơ sở đang học cách phục vụ tốt hơn với bộ máy gọn hơn. Ở nơi đâu cán bộ dám thay đổi cách làm, nơi đó người dân cảm nhận rõ sự chuyển biến. Vệt bài “Chính quyền địa phương 2 cấp - Tăng tốc ngay khi khởi động” ghi nhận hành trình chuyển mình của chính quyền các địa phương - không bằng những bài báo cáo được trau chuốt cẩn trọng trong hội nghị, mà bằng những lát cắt đời sống ở từng phường, xã, cửa tiếp dân, cuộc họp khu phố. Mô hình chuyển động bắt đầu từ từng cơ sở, nơi cải cách hành chính không còn là khẩu hiệu.

$1a.jpg
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Tam Bình, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tiện ích vượt trội

Có nhu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, ông Nguyễn Trọng Nhân đến phường Tân Hưng (TPHCM) nộp hồ sơ. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường, ông được lực lượng thanh niên tình nguyện hướng dẫn nhận tờ khai tại ki-ốt tạo tờ khai. Đưa CCCD gắn chip vào cổng quét, chọn thủ tục hành chính (TTHC) yêu cầu giải quyết và bấm nút, một tờ khai thủ tục có điền đầy đủ thông tin cá nhân của ông được in ra. Ông Nhân nhận, ký và chờ đến lượt theo số thứ tự để nộp hồ sơ. Trừ thời gian ngồi chờ, quy trình tiếp nhận hồ sơ chỉ diễn ra khoảng 2 phút. Ấn tượng với ki-ốt tạo tờ khai, ông Nhân nhận xét, phường trang bị ki-ốt này rất hữu ích, giúp người dân không phải in mẫu thủ tục và mất thời gian điền thông tin như trước, mà chỉ vài thao tác trên màn hình cảm ứng để chọn loại thủ tục là xong.

Ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Hưng, thông tin, phường nghiên cứu nhiều giải pháp để hỗ trợ cán bộ, công chức trong hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người dân, đảm bảo không để người dân chờ đợi quá 20 phút khi nộp hồ sơ TTHC, trong đó có ki-ốt thông minh tạo tờ khai bằng quét CCCD gắn chip. Giải pháp này giúp người dân không lúng túng trong việc điền thông tin, cán bộ, công chức cũng tiết kiệm thời gian hướng dẫn, chỉnh sửa thông tin.

Bà Trần Phạm Thảo Trang rất ấn tượng với Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức (TPHCM). Vừa bước vào đây, một robot tiến đến chào, mời bà vào phía trong. Khi ổn định chỗ ngồi tại ghế chờ, một robot khác ra mời bà Trang chọn dịch vụ với màn hình có mã QR lấy số thứ tự. Kế đến, robot ban đầu tiến đến mời bà dùng nước, đồ ăn nhẹ (như kẹo, bánh…) và lưu ý khách bỏ rác vào thùng. “Mọi thứ đều rất nhuần nhuyễn, tuần tự. Hai robot chạy qua lại phục vụ từng người, nhìn rất thú vị”, bà Trang chia sẻ. Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Thủ Đức được thiết kế không gian “mở”, tạo sự gần gũi giữa cán bộ, công chức với người dân. Nơi đây có khu vực ghế ngồi chờ, có khu vực bàn ghế để người dân điền thông tin vào tờ khai thực hiện TTHC. Tại đây còn có phòng tư vấn pháp luật miễn phí do Đoàn phường phối hợp Đoàn thanh niên Đoàn Luật sư TPHCM triển khai.

Sau khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, UBND TPHCM đã công bố danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp xã, gồm 2.168 TTHC thuộc 15 lĩnh vực. Trong đó, có 1.862 TTHC cấp tỉnh, 363 TTHC cấp xã, 9 TTHC thuộc cơ quan khác (có một số TTHC thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh và cấp xã). UBND TPHCM cũng ban hành danh mục TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn TPHCM (giai đoạn 1), gồm 1.182 TTHC thuộc thẩm quyền của 13 sở và 154 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được chỉ đạo các xã, phường, đặc khu chủ động bố trí số lượng quầy và vị trí quầy tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã theo hướng tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch TTHC. Chủ động điều chỉnh theo tình hình thực tế, không được để tình trạng quá tải hay người dân, doanh nghiệp chờ đợi quá 20 phút để nộp hồ sơ TTHC. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trong quá trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả tại Bộ phận một cửa. Tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa, lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, liên thông điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Không thụ động chờ phân công

Việc cả nước vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ. Trong vận hành mô hình này, cấp xã là nơi trực tiếp, gần dân nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc nhở: “Việc giải quyết TTHC của dân phải ở cấp xã, dân không phải lên tỉnh, thành phố hay Trung ương làm gì cả. Việc gì quá thẩm quyền của xã thì xã báo cáo lên tỉnh, thành phố, dân không việc gì phải lên đến tỉnh”. Tổng Bí thư cũng yêu cầu đổi mới tư duy, quản lý theo hướng chính quyền kiến tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ xã có năng lực tổng hợp, có khả năng ứng dụng công nghệ số, hiểu dân, sâu sát thực tiễn; phải đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục tương tác với người dân.

!3a.jpg
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm dịch vụ hành chính công phường Tam Bình, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tinh thần chỉ đạo đó đã lan tỏa, tạo động lực mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức làm việc với tinh thần cống hiến, việc gì có lợi cho dân phải sẵn sàng làm ngay, cho dù đó là những quyết định chưa có tiền lệ. Tại xã Bà Điểm, một trong những xã đông dân nhất của TPHCM, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, giải quyết khoảng 350 hồ sơ; đến ngày 16-7, chưa có hồ sơ nào trễ hẹn, trong đó có nhiều thủ tục từ cấp huyện trước đây chuyển về xã. Một số thủ tục như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, cấp Giấy phép xây dựng… được phân cấp triệt để về xã, giúp người dân thuận tiện hơn, tiết kiệm được thời gian. Trong nửa tháng đầu hoạt động, xã đã cấp trên 30 Giấy phép xây dựng cho người dân. Người dân có nhu cầu sẽ được các bộ phận, phòng ban, cán bộ, công chức của xã hỗ trợ, giải quyết. Trường hợp chưa giải quyết ngay được thì sẽ thông báo thời gian chính xác để người dân nắm. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của xã luôn đạt 100%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân nộp đúng, đủ hồ sơ, xã chủ động cắt giảm quy trình trong thủ tục sao y chứng thực. Thay vì công chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ rồi chuyển bộ phận thẩm định, sau đó trình lãnh đạo ký, nay xã giao trách nhiệm cho công chức tiếp nhận phải thẩm định hồ sơ và chịu trách nhiệm. Điều này giúp giảm một công đoạn và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Ở xã đảo Thạnh An (TPHCM) giữa bốn bề sóng nước, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vẫn nhịp nhàng vận hành. Ít ai biết, phía sau sự yên bình ấy là những thử thách không nhỏ, bắt nguồn từ đặc thù “xã giữ nguyên” - đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp. Với những xã đặc thù như Thạnh An, UBND xã không được thành lập các phòng chuyên môn hay bộ phận tham mưu như đơn vị hành chính cấp xã bình thường. Điều này đồng nghĩa toàn bộ công việc tham mưu, chuẩn bị nội dung họp, triển khai chỉ đạo… đều dồn lên một bộ máy rất mỏng. Trong khi chờ hướng dẫn từ Trung ương và TPHCM về tổ chức bộ máy cho xã đặc thù, lãnh đạo xã Thạnh An nỗ lực xoay xở, bảo đảm công việc thông suốt.

Ông Hồ Hồng Thành Tính, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, chia sẻ, việc tham mưu, chuẩn bị tài liệu, hội họp gặp nhiều khó khăn do không có phòng ban chuyên môn. Để công việc không bị gián đoạn, xã đã chủ động thành lập các tổ chuyên môn tiệm cận với Nghị định 150 của Chính phủ, như Tổ Văn phòng HĐND-UBND, Tổ Kinh tế và tổ Văn hóa - Xã hội, thay vì phòng ban chính thức. Trong bối cảnh xã không có Trung tâm Phục vụ hành chính công, lãnh đạo xã quyết định lập Tổ Hành chính công để đảm bảo phục vụ người dân.

Ông LÊ THANH NGUYÊN, đặc khu Côn Đảo, TPHCM:

Tôi cùng vợ sắp cưới đến Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do bị thất lạc một số giấy tờ cũ nên trước khi đi, tôi lo rằng không biết thủ tục có rắc rối không. May mắn là tôi được cán bộ hỗ trợ kỹ lưỡng, chỉ cần cung cấp thông tin, CCCD là mọi thủ tục đều được xử lý nhanh gọn, thuận lợi. Người dân làm thủ tục đông, cán bộ nhiều việc và bận rộn nhưng họ đang rất cố gắng, tôi nhìn thấy rõ được điều ấy!

Ông BÙI HỮU THẾ, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo:

Đặc khu Côn Đảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng kênh Zalo OA để hướng dẫn và cung cấp thông tin cho người dân; người dân cũng có thể phản ánh, kiến nghị qua trang thông tin điện tử của đặc khu. Đặc khu đang rà soát, lên kế hoạch trang bị thêm máy vi tính, máy scan, máy photocopy, máy in và các thiết bị hỗ trợ khác để phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân và tổ chức… Chúng tôi đang thay đổi triệt để cách làm: ứng dụng công nghệ hiện đại, bố trí cán bộ theo nhóm nhiệm vụ, bố trí lịch tiếp dân định kỳ...

Tin cùng chuyên mục