Theo thông cáo của Hoàng gia Thái Lan phát trên truyền hình quốc gia ngày 13-10, Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã qua đời, thọ 89 tuổi. Nhà vua Bhumibol là vị vua trị vì lâu nhất thế giới với 70 năm trên ngai vàng. Nhiều người dân Thái Lan tập trung trước Bệnh viện Siriraj đã òa khóc khi nghe thông báo. Vị vua trị vì lâu nhất thế giới này có công lớn trong công cuộc phát triển đất nước Thái Lan, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều thành tựu nổi bật.
Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej
Nhà vua chuyên ngành luật
Nhà vua Bhumibol Adulyadej cùng Hoàng hậu Sirikit, 84 tuổi, có 4 con gồm Thái tử Maha Vajiralongkorn (64 tuổi) và 3 công chúa Ubol Ratana (65 tuổi), Maha Chakri Sirindhorn (61 tuổi) và Chulabhorn Walailak (59 tuổi). Ngày 28-12-1972, con trai duy nhất của Quốc vương Bhumibol, Hoàng tử Vajralongkorn, được ban tước hiệu Somdej Phra Boroma Orasadhiraj Chao Fah Maha Vajiralongkorn Sayam Makutrajakuman (Thái tử) và được chọn làm người thừa kế ngai vàng chiếu theo Luật Thừa kế Hoàng gia năm 1924. Công chúa Siridhorn là nhân vật thứ hai trong thứ bậc thừa kế ngai vàng.
Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej sinh ngày 5-12-1927 tại Bệnh viện Mount Auburn ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Mỹ. Ông là con trai út của Mahidol Adulyadej, Hoàng tử xứ Songkla và là cháu nội Vua Chulalongkorn. Bhumibol được cha đưa về Thái Lan năm 1928, sau khi cha ông - Hoàng tử Mahidol tốt nghiệp ngành y tại Đại học Harvard. Sau khi hoàn tất chương trình tiểu học tại trường Mater Dei ở Bangkok, năm 1933, ông đến Thụy Sĩ để theo học tại École Nouvelle de la Suisse romande, ở Chailly-sur-Lausanne, tốt nghiệp với văn bằng Tú tài văn chương Pháp, tiếng Latin và tiếng Hy Lạp. Khi Bhumibol đang theo học tại Thụy Sĩ thì anh của ông là Phra Ong Chao Ananda Mahidol, lên ngôi ở Thái Lan năm 1935 khi mới 9 tuổi, kế nhiệm chú là Nhà vua Prajadhipok thoái vị.
Năm 1935, Nhà vua Ananda Mahidol sắc phong em trai, tức Bhumibol trở thành Chao Fa (thái tử). Thái tử Bhumibol kế vị ngai vàng sau khi anh của ông, Vua Ananda Mahidol, mất ngày 9-6-1946 do tai nạn liên quan đến vũ khí xảy ra trong Hoàng cung ở Bangkok. Vì chưa hoàn tất chương trình học đại học ở Thụy Sĩ, Hoàng gia Thái Lan quyết định để Nhà vua Bhumibol trở lại Thụy Sĩ học tiếp. Suốt trong thời gian này, chú của ông, Rangsit Mahidol, được chỉ định làm Nhiếp chính vương. Đến Thụy Sĩ, Nhà vua Bhumibol chuyển sang nghiên cứu Luật và Khoa học Chính trị.
Trong khi sống ở Thụy Sĩ, Nhà vua Bhumibol thường xuyên đến Paris, ở đó ông gặp người cháu họ, Rajawongse Sirikit Kitiakara, con gái của Đại sứ Thái Lan tại Pháp. Lễ đính hôn tổ chức đơn giản ở Lausanne ngày 19-7-1949. Hai người kết hôn ngày 28-4-1950, chỉ vài tuần trước lễ đăng cơ (lên ngôi) của ông. Nhà vua Bhumibol làm lễ lên ngôi ngày 5-5-1950 tại Hoàng cung ở Bangkok. Mỗi năm, ngày lễ đăng quang của Nhà vua vào ngày 5-5 được xem là quốc lễ.
Người dân Thái Lan khóc thương Nhà vua Bhumibol Adulyadej trước Bệnh viện Siriraj
Can thiệp chính trị
Là Nhà vua trị vì trải qua hàng loạt cuộc đảo chính, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã nhiều lần đứng ra ổn định đất nước và hòa giải giữa các đảng phái chính trị. Năm 1992, Nhà vua Bhumibol giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi đất nước Thái Lan sang nền dân chủ. Cuộc đảo chính ngày 23-2-1991 đặt Thái Lan dưới sự cai trị của một chế độ độc tài quân sự. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1992, các chính đảng chiếm đa số mời tướng Suchinda Kraprayoon, người lãnh đạo cuộc chính biến, làm thủ tướng. Động thái này gây ra nhiều bất bình, tăng cường độ các xung đột dẫn đến các cuộc biểu tình và gây ra nhiều thương vong khi quân đội được gọi đến để trấn áp các cuộc tụ tập. Tình thế trở nên đáng quan ngại khi cả hai phía đều không có dấu hiệu nhượng bộ.
Nhà vua cho đòi Thủ tướng Suchinda và nhà lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ, Thiếu tướng Chamlong Srimuang, đến gặp ông trong một buổi hội kiến được truyền hình trực tiếp. Ngay lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng, hình ảnh hai nhân vật chống đối nhau cùng phủ phục trước Nhà vua đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho toàn dân tộc Thái Lan, dẫn đến quyết định từ chức của Thủ tướng Suchinda không lâu sau đó. Đó là một trong vài lần hiếm hoi nhà vua can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp chính trị. Sau đó, cuộc tổng tuyển cử diễn ra và nền dân chủ được phục hồi.
Trong những tuần lễ trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4-2006 bị nhiều đảng phái tẩy chay, liên minh chống Thủ tướng Thaksin Shinawatra (bao gồm đảng Dân chủ, Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, và Hiệp hội Luật Thái Lan) thỉnh cầu Nhà vua bổ nhiệm thủ tướng và nội các thay thế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng yêu cầu này vấp phải nhiều sự chống đối. Nhà vua Bhumibol, trong bài diễn văn đọc ngày 26-4, trả lời rằng “Thỉnh cầu Quốc vương bổ nhiệm thủ tướng là không dân chủ. Đó là điều không hợp lý”. Ông Thaksin tiếp tục làm Thủ tướng trong lúc diễn ra hàng loạt các cuộc biểu tình của lực lượng áo đỏ ủng hộ ông và áo vàng chống ông, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ ông vào ngày 19-9-2006.
Theo BBC, trong những năm gần đây, các nhóm biểu tình ủng hộ Hoàng gia liên tục dựa vào danh tiếng và hình ảnh Quốc vương Bhumibol nhằm lật đổ các chính phủ thân Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, Quốc vương Bhumibol vẫn giữ im lặng. Tháng 5-2014, Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự. Ba tháng sau đó, Quốc vương Bhumibol chính thức chấp nhận ông Prayuth Chan-ocha làm tân thủ tướng.
Hết lòng cải thiện đời sống của dân
Nhà vua Bhumibol tham gia tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, chủ yếu là qua một loạt các đề án phát triển kinh tế mà ông đề xuất, tổ chức và tài trợ. Những đề án Hoàng gia chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã được đích thân Nhà vua Thái Lan khởi xướng. Đã có hơn 3.000 đề án được triển khai trên toàn quốc, nhắm vào mục tiêu cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở vùng nông thôn Thái Lan.
Hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ giới thiệu giống cây trồng đến bảo tồn nước, từ thoát nước vùng đầm lầy đến bảo vệ rừng, trong mục tiêu phát triển bền vững, Dự án Phát triển Hoàng gia được chia thành 8 chương trình nhắm vào: nông nghiệp, môi trường, y tế, huấn nghiệp, tài nguyên nước, truyền thông, phúc lợi xã hội và những lĩnh vực khác. Những đề án đích thân Nhà vua hướng dẫn và thí nghiệm, thường dựa vào những tư vấn của các chuyên gia và được triển khai trong giai đoạn đầu do ngân quỹ riêng của Nhà vua cấp. Một khi đề án đạt được những kết quả khả quan, Nhà vua chuyển giao đề án cho chính quyền để phát triển xa hơn.
Đề án của Nhà vua và Hoàng hậu như đề án vụ mùa thay thế nhằm chặn đứng tình trạng trồng thuốc phiện, phá rừng và đốt rừng để canh tác đã phát huy tốt hiệu quả. Nhà vua còn tư vấn và trợ giúp người dân trồng các loại cây ăn trái và hoa màu đem lại lợi tức cao hơn.
Tháng 5 năm 2006, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan trao tặng Huy chương Thành quả trọn đời vì phát triển nhân loại đầu tiên của Liên hiệp quốc cho Nhà vua Bhumibol Adulyadej. Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, Nhà vua Bhumibol Adulyadej còn là nhạc công và sáng tác nhạc jazz. Nhà vua được trao tặng danh hiệu thành viên danh dự Viện Âm nhạc và Nghệ thuật Vienna lúc ông 32 tuổi. Ông thường trình diễn nhạc jazz trên sóng phát thanh của đài Or Sor, cũng đã công diễn với những huyền thoại nhạc jazz như Benny Goodman, Jack Teagarden, Lionel Hampton và Maynard Ferguson. Các ca khúc do Nhà vua sáng tác được biểu diễn tại các cuộc tụ họp công cộng, hay trình diễn trong các buổi hòa nhạc. Nhà vua Bhumibol Adulyadej còn là họa sĩ, nhiếp ảnh gia, tác giả và dịch giả.
|
KHÁNH MINH (tổng hợp)