Thảm họa “báo lá cải”

Gần đây, tại TPHCM xuất hiện nhiều ấn phẩm (thường là phụ trương) báo chí mang danh nghĩa “pháp luật, xã hội, cuộc sống” nhưng nội dung chủ yếu sa đà vào phản ánh “tư, tình, tội” với văn phong giật gân, câu khách. Nếu tiếp tục thiếu kiên quyết trong quản lý và xử lý sẽ là “lực đẩy” để một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, sinh sôi, nảy nở “báo lá cải”.
Thảm họa “báo lá cải”

Gần đây, tại TPHCM xuất hiện nhiều ấn phẩm (thường là phụ trương) báo chí mang danh nghĩa “pháp luật, xã hội, cuộc sống” nhưng nội dung chủ yếu sa đà vào phản ánh “tư, tình, tội” với văn phong giật gân, câu khách. Nếu tiếp tục thiếu kiên quyết trong quản lý và xử lý sẽ là “lực đẩy” để một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, sinh sôi, nảy nở “báo lá cải”.

  • Độc giả bị... đầu độc

"Các cơ quan báo chí phải bám sát tôn chỉ mục đích, báo chí cần tự sửa mình trước khi đi sửa người khác"

Ông Hoàng Hữu Lượng,
Cục trưởng Cục Báo chí

Đời tư, tình dục, tội ác là 3 “bầu sữa” được các ấn phẩm vắt đi vắt lại làm đề tài cho báo. Bí quyết đầu tiên để câu khách là hàng loạt title bài dài lê thê được “giật” kèm những tính từ rất “tâm trạng” của nhân vật như: nức nở, sững sờ, vật vã, tơi tả, đắng lòng… đến cảm giác, nhận định của tác giả “gào” lên như: sốc, chết điếng, hãi hùng, lạnh người, rùng rợn…

Đ.Y – đặc san của báo PNTĐ có “sologan” ngay trang nhất là “Những câu chuyện hạnh phúc gia đình”, dưới mỗi trang báo luôn có danh ngôn bất hủ về tình yêu. Tuy nhiên, đặc san này lại dày đặc các bài viết “rùng rợn” về tình yêu – hôn nhân – gia đình.

Cùng với việc “giật” tilte một cách phóng túng, các bài viết chủ yếu được “nghe kể”, thông tin một chiều với tinh thần “thông cảm, ủng hộ, tán đồng” cái xấu. Người đọc băn khoăn, phải chăng báo lại khen “gia đình trọn vẹn”, ngầm quảng cáo cho lối sống không lành mạnh của một phụ nữ khi cặp bồ, ở cùng nhà cùng lúc với hai chàng trai - bài “Người phụ nữ vừa có người yêu vừa có nhân tình”, số 15.

Không kém cạnh, các ấn phẩm như: TT&ĐS, CS, CCPL, PL&TĐ… cũng đua nhau đăng tải nhiều bài về tư - tình - tội, không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Hãi hùng nhất trong việc “trồng cải” là “tập đoàn” báo ĐS&PL với 4 ấn phẩm “con, cháu”. Đáng chú ý, tờ báo chính là ĐS&PL chỉ được xuất bản 4 số/tuần thì ấn phẩm phụ NĐT lại được cấp phép xuất bản hàng ngày! Có số lượng hùng hậu, “tập đoàn” này làm mưa làm gió với những thông tin trơ trẽn, thô tục về tư, tình, tiền, tù tội.

Thông tin “tư, tình, tù, tội” tràn ngập trên một số ấn phẩm.

Thông tin “tư, tình, tù, tội” tràn ngập trên một số ấn phẩm.

Đơn cử ở ấn phẩm HN&PL, tác giả vô tư tô đậm những hiện tượng xã hội cần lên án khiến người đọc hoang mang không hiểu vai trò của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể ở đâu mà để tình trạng “người phụ nữ bị gã chồng nghiện ngập bạo hành và bắt hầu hạ cả “bồ” của chồng”. Không thấy nhà báo đưa ra cách giải quyết, tư vấn cho những nạn nhân phải làm gì khi rơi vào cảnh bị xâm phạm tính mạng và tài sản. Nếu nhà báo trao đổi với chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư để nêu ra cách giải quyết đúng pháp luật thì ít nhiều, sau khi người đọc “đắng lòng” bởi các câu chuyện không vui trên, sẽ học hỏi được điều gì đó trong cách giải quyết vấn đề theo pháp luật cũng như có tác dụng răn đe những kẻ nào toan có hành động tương tự.

Ngay cả tờ ĐS&PL, bạn đọc cũng “ngã ngửa” khi báo phác họa bức tranh xã hội VN quả là dễ sợ, đủ chuyện cướp – giết – hiếp với giọng văn vô cảm và bỏ lửng, không hề thấy nhà báo phân tích việc nào đúng, việc nào trái pháp luật; hung thủ có khả năng phạm tội gì, điều luật nào; nạn nhân có thể vận dụng luật pháp để giải quyết vấn đề theo cách nào…

Trước sự tung hoành với các thông tin “lá cải”, cơ quan chức năng TPHCM đã vào cuộc và phát hiện ấn phẩm HN&PL không hề ghi giấy phép xuất bản theo quy định của Luật Báo chí và báo ĐS&PL lại có tới 2 văn phòng đại diện hoàn toàn riêng biệt để sản xuất nội dung tại TPHCM.

  • Đảo lộn giá trị

Ông Bùi Huy Lan, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Cục Báo chí - Bộ Thông tin – Truyền thông) lý giải: Nguyên nhân chính khiến “báo lá cải” nở rộ như thời gian gần đây là một số cơ quan báo chí, nhà báo đã chạy theo lợi nhuận mà đánh tráo giá trị. Báo chí hoạt động có hai giá trị, thông tin khách quan, chân thực và có tính định hướng để phục vụ sự ổn định, phát triển của xã hội – đó là giá trị xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, báo chí còn có giá trị về kinh tế. Nhưng, kinh tế chỉ là phương tiện, giá trị xã hội mới là mục tiêu mà bất cứ tờ báo nào cũng phải coi trọng, nỗ lực thực hiện. Ngược lại, “báo lá cải” lại đặt lợi nhuận lên làm đầu, coi kinh tế là mục đích, biến tờ báo thành công cụ kiếm tiền, thu lời; báo đã đánh mất đi chức năng thông tin, định hướng và tính chuyên nghiệp, đạo đức người làm báo cũng không còn.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản (Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM) chia sẻ, trước sự “tấn công” ồ ạt của các “báo lá cải”, chủ yếu thuộc các hội nghề nghiệp, ban ngành của Trung ương, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đang tăng cường rà soát lại các văn phòng đại diện chưa đảm bảo yêu cầu về giấy phép, cơ sở vật chất, nhân sự... Song, việc cấp phép, quản lý và xử lý các ấn phẩm này lại thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin - Truyền thông. Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông kiến nghị xử lý, gửi trực tiếp tới các cơ quan báo chí có ấn phẩm vi phạm yêu cầu kiểm tra, báo cáo nhưng kết quả… vẫn như cũ. Lờn luật, “báo lá cải” càng ngang nhiên hoành hành.

  • Cần mạnh tay dẹp “báo lá cải”

“Khuyến khích các báo làm kinh tế nhưng nên ở mức độ và không những không yêu cầu nộp ngân sách nhiều mà cần chăm lo, đầu tư lại cho các tờ báo, nhất là các tờ báo lớn, để nhà báo sống được bằng lương, cơ quan báo chí không phải “sống” vật vờ, tự bơi rồi tìm mọi cách tận thu” - ông Bùi Huy Lan đề xuất.

Còn Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng An ninh Báo chí (Cục An ninh Thông tin – Truyền thông, Bộ Công an) cho rằng: Cần kiên quyết, nghiêm minh trong việc quản lý và xử lý báo chí sai phạm; tránh tình trạng cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có đầy đủ công cụ quản lý trong tay nhưng không xử lý đúng mức đối với các cơ quan báo chí vi phạm. Bộ Thông tin - Truyền thông cần tiến hành thanh tra và xử lý mạnh tay đối với các tờ báo có thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục. Đồng thời, cần sớm có quy hoạch báo chí, ngưng cấp phép đối với những tờ báo hoạt động không hiệu quả, cần mạnh dạn loại bỏ và xử lý người đứng đầu đối với các tờ phụ trương, chuyên đề đã có nhiều sai phạm.

“Quan điểm của Bộ Thông tin - Truyền thông là xử lý kiên quyết. Sau một vài tháng “tự điều chỉnh”, nếu các ấn phẩm “lá cải” không thay đổi, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ có biện pháp nghiêm” - ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) nhấn mạnh.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2010, một nhóm phóng viên đã thành lập một công ty truyền thông (đặt trụ sở tại Hà Nội) để “mua măng sét” thực hiện các ấn phẩm “báo lá cải” nhằm mục đích bán báo, chủ yếu tại khu vực TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Trong khi các cơ quan báo chí phải phát huy giá trị xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thì các “báo lá cải” lại thỏa sức “câu” bạn đọc bằng các thông tin trơ trẽn về tư, tình, tiền, tù tội, vi phạm nhiều quy định của Luật Báo chí nhưng không thấy cơ quan quản lý báo chí xử lý.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục