Mới nắm cương vị Phó Chủ tịch UBND quận thời gian ngắn, anh Q. chợt nhận ra, nếu không cẩn thận, soát xét kỹ càng, có ngày anh “chết” bởi chính cán bộ tham mưu của mình!
Anh kể, vừa rồi anh “suýt chết” do cán bộ tham mưu trình ký một văn bản tranh chấp nhà. Văn bản ký xong, nhưng tình cờ, anh phát hiện văn bản đó không đúng với thực tế, thế là anh mạnh dạn sửa sai, xin lỗi dân, đồng thời ký một quyết định khác phủ nhận chính cái quyết định anh ký trước đó… vài ngày! Ngẫm lại câu nói người xưa “thần thiêng tại bộ hạ”, anh tự nhủ mình: phải luôn luôn tỉnh táo! Lâu nay, ai cũng hiểu, người nào ký văn bản thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp lý.
Nhưng qua vụ việc này, anh Q. thắc mắc: vậy thì trách nhiệm của cán bộ tham mưu đến đâu một khi cơ chế có rất nhiều người cùng chịu trách nhiệm nhưng khi “đụng chuyện” lại chẳng ai chịu trách nhiệm? Anh bảo, bản thân anh cũng như nhiều người quản lý khác, không thể am tường mọi lĩnh vực chuyên môn, nên phải tập hợp, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ tham mưu, người thư ký để xây dựng và ra các quyết định sát với thực tế.
Nhưng anh cũng thừa nhận, lắm lúc anh vừa ký vừa… sợ bị bồi thường theo pháp luật! Anh không loại trừ khả năng, nhiều quyết định bất hợp lý từ các cấp quản lý có căn nguyên từ sự “cài cắm” lợi ích cá nhân, “nói ngọt, lọt tai” của một số cán bộ “vừa tham, vừa mưu” này…
Cán bộ tham mưu, thư ký riêng là những người giúp việc cho lãnh đạo đề ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhưng nếu quá tin tưởng vào những đề xuất của tham mưu, thư ký riêng mà không kiểm soát chặt chẽ và có quy định trách nhiệm rõ ràng thì một ngày nào đó, chính họ trở thành nạn nhân, mang tiếng là người vô trách nhiệm, thậm chí trong chừng mực nào đó, vô tình, họ là người phạm tội!
Trang Thùy