Đáng chú ý, trong khi lãi suất coupon của nhóm ngân hàng dao động khoảng 6,3%-7,3%/năm thì nhóm bất động sản, xây dựng, hạ tầng có mức lãi suất coupon cao nhất, phổ biến trên 10%/năm và trong nhóm cao nhất đó, đứng đầu là trái phiếu của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất coupon lên đến 14,5%/năm.
Thị trường trái phiếu chính phủ sau giai đoạn sôi động năm 2016 - 2018 hiện đang nhường chỗ cho kênh đầu tư đang “bùng nổ” 6 tháng đầu năm 2019 là thị trường TPDN. Làn sóng phát hành TPDN đang trở thành xu thế và hứa hẹn sẽ có những bước tiến mới về quy mô, góp phần giảm bớt gánh nặng huy động vốn cho kênh tín dụng truyền thống từ ngân hàng thương mại.
Theo ông Lê Đức Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí, cùng với 60.000 tỷ đồng TPDN được phát hành thành công, giá trị giao dịch TPDN đã tăng đột biến kể từ năm 2018 đến nay với giá trị gần 37.000 tỷ đồng. Trái ngược với diễn biến của thị trường cổ phiếu, thị trường TPDN đang là tâm điểm của giới đầu tư trong và ngoài nước. Hiện dư nợ TPDN đạt hơn 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 8% dư nợ trái phiếu quý 1).
Phát triển thị trường TPDN để giảm phụ thuộc vốn ở kênh ngân hàng thương mại là cần thiết, và với DN, khi phát hành công cụ nợ được các nhà đầu tư chào đón cũng là điều rất tốt. Tuy nhiên, việc các DN ào ạt phát hành TPDN với lãi suất “khủng” cũng mang lại những băn khoăn. Trước thông tin DN phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 12%-14%/năm, mới đây, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành lạm phát, lãi suất đã được Chính phủ đặt mục tiêu từ trước. “Không biết các ngân hàng thương mại có mua hay không, hay chỉ các nhà đầu tư tư nhân? Mặt bằng lãi suất có bị ảnh hưởng không?”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo việc này.
Nhìn lại quá khứ, có một thời gian dài, các ngân hàng thương mại dành nhiều nguồn lực để mua trái phiếu chính phủ (có thời gian chiếm 80% lượng phát hành) nên đã giảm nguồn vốn cho vay, ảnh hưởng đến lãi suất. Với TPDN, nếu như các ngân hàng dùng nguồn lực của mình để mua trái phiếu thì câu chuyện trong quá khứ sẽ lại xuất hiện.
Việc hàng loạt các ngân hàng thương mại phát hành TPDN được nhìn nhận là nhằm mục tiêu tăng quy mô, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để chủ động trong các kế hoạch cho vay, nâng cao năng lực tài chính… Còn với các doanh nghiệp bất động sản, việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao được đánh giá là nhằm “ứng phó” với việc Ngân hàng Nhà nước đang tiến tới siết tín dụng bất động sản. Cụ thể, sau khi áp quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ mức 45% xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019, tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN (quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra 2 phương án để giảm dần tỷ lệ trên xuống mức 30%.
Có thể thấy, việc các DN bất động sản phát hành TPDN với lãi suất cao là một điều cần lưu ý khi đây không phải là kênh cần khuyến khích hiện nay và điều này có thể tác động tới các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Ở một khía cạnh liên quan, mấu chốt của việc mua TPDN nằm ở việc tránh những trái phiếu “rủi ro” chứ không phải đi tìm những trái phiếu lợi tức cao. Trong khi đó, DN bất động sản lại là những DN có nhu cầu phát hành trái phiếu nhất và là các DN có cấu trúc nợ/vốn không cân đối. Trái phiếu của những DN này cần phải phân tích thấu đáo và cẩn trọng hơn so với các ngành nghề khác.
Ngày càng có nhiều DN niêm yết, đăng ký trên sàn giao dịch thì đồng nghĩa số lượng TPDN phát hành càng lớn. Ở góc độ nhà đầu tư, trước khi đánh giá phân tích triển vọng TPDN bất kỳ, việc phân tích báo cáo tài chính bao quát không quan trọng bằng những đánh giá sắc sảo về viễn cảnh doanh nghiệp. Trong đó, nhà đầu tư cần phải áp dụng triệt để các bài kiểm tra định lượng rằng DN có thu nhập trên chi phí lãi vay dư dả và giá trị hiện tại của DN cao hơn nhiều so với nợ.