Tháng 3 và chuyện về hai vị Vua Bà

Từ đền Đồng Nhân
Tháng 3 và chuyện về hai vị Vua Bà

Cơ duyên kỳ lạ đã khiến cho ba di tích quan trọng bậc nhất thờ phụng hai vị nữ anh hùng dân tộc nay đều thuộc thủ đô Hà Nội. Tháng 3 Dương lịch (tức tháng 2 Canh Dần) có một ngày lễ trọng ở cả 3 ngôi đền: Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), Hạ Lôi (huyện Mê Linh) và Hát Môn (huyện Phúc Thọ). Đó là mùng 6 tháng 2 Âm lịch, ngày kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Quang cảnh đền Đồng Nhân hiện nay.

Quang cảnh đền Đồng Nhân hiện nay.

Từ đền Đồng Nhân

Ngôi đền này trước thuộc làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay ở số 12 phố Hương Viên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đền được lập vào đời Lý Anh Tông, ở bãi Đồng Nhân, trên bờ sông Hồng để thờ phụng Hai Bà. Sau, do vùng đất bãi sông bị xói lở, nên dân làng Đồng Nhân đã phải dời ngôi đền tới khu Võ Sở cũ của triều Lê ở thôn Hương Viên (tức địa điểm hiện nay) vào năm Gia Long 18 (tức 1819). Đặc biệt, trong gian tiền tế được bày 2 voi gỗ sơn đen, ngà của voi là ngà thật. Đây là 2 voi tượng trưng cho voi của Hai Bà khi cầm quân ra trận. Bên cạnh đó là các bức hoành phi, câu đối ca ngợi sự nghiệp cùng công đức của Hai Bà. Tòa bái đường được đặt ngai thờ và 1 tấm khảm thể hiện hình ảnh Hai Bà cưỡi voi đánh giặc. Hậu cung đặt tượng Hai Bà cùng 6 tượng nữ tướng dàn hai bên, trong đó là các tướng Lê Chân, Hòa Hoàng, Thiên Nga, Nguyễn Đào Nương, Phùng Thị Chính và Công chúa Phạm Thị Côn.

Hàng năm, đền đều tổ chức ngày hội chính vào mùng 6 tháng 2 Âm lịch – ngày Hai Bà “tuốt gươm thề dưới cờ đào”, dấy binh chống lại ách đô hộ bất công của nhà Đông Hán.

Ngôi đền nhìn ra mặt hồ phẳng lặng thường yên vắng, nhưng những ngày giữa tháng 3 Dương lịch này đang tấp nập, chuẩn bị cho một lễ hội nghiêm cẩn mà rộn ràng. Được xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia” từ năm 1962, hiện đền được trùng tu và là một trong những công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chỉ có điều, giữa thủ đô tấc đất tấc vàng, công trình tu bổ đền còn bị vướng mắc bởi những khiếu kiện khá gay gắt của một số hộ dân ở đan xen trong khu vực. Được biết, chính quyền quận Hai Bà Trưng và TP Hà Nội đang xem xét để giải quyết thấu lý đạt tình cho các hộ dân ở đây nhằm sớm hoàn thiện công trình ý nghĩa này.

Đến đền Hạ Lôi trên đế đô xưa

“Trên thế giới, không phải bây giờ mà ngàn năm trước cũng vậy, chưa có nước nào mà người xây dựng đầu tiên, đem độc lập đầu tiên cho nước nhà là người phụ nữ như ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng đưa ra nhận định đầy tự hào ấy khi nói về Hai Bà Trưng.

Tương truyền đền Hạ Lôi được làm ngay trên nền cung điện xưa của Hai Bà, nơi “đô kỳ đóng cõi Mê Linh”. Đó là một khu đất cao thoáng đãng với thế đất “trán con voi trắng” trong hình tượng “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ). Do truyền thuyết này, trong khu đền nay vẫn còn ao Mắt Voi, Vòi Voi và hồ Ao Bàng; phía trước là đường kéo quân của Hai Bà Trưng xưa. Sau đền là khu vực thành cổ gồm 2 lớp: trong thành, ngoài quách, dân gian gọi là Thành Ống.

Không chỉ là nơi thờ phụng hai vị Vua Bà, trong những năm tháng tiền khởi nghĩa, đặc biệt là những năm 1940 - 1945, Đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh còn là nơi đi về, hội họp của các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng ta như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo... Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ năm 2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày đó đã quyết định tôn tạo tổng thể Đền thờ Hai Bà Trưng với tổng vốn đầu tư khoảng 86 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2003 - 2005; giai đoạn 2 từ 2006 - 2010. Hiện nay, sau khi Mê Linh chuyển về Hà Nội, dự án đã cơ bản hoàn thành và được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá là “một trong những di sản văn hóa trong nước được tu tạo rất đúng quy trình; vừa gìn giữ được tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa phát huy giá trị đích thực của di sản”.

Khúc bi tráng ở đền Hát Môn

Xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, cách trung tâm thủ đô khoảng 40km. Hát Môn vốn là một ngôi làng cổ gần cửa sông Hát (đổ vào sông Hồng). Tại đây diễn ra lễ tế cáo trời đất khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đông Hán của Hai Bà Trưng. Cửa sông Hát cũng là nơi Hai Bà tự vẫn để giữ trọn khí tiết khi thua trận.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi thua trận, Hai Bà rút lui về cửa sông Hát, dừng chân tại quán Cô, mỗi người ăn một quả muỗm và một đĩa bánh trôi trước khi hóa. Để tưởng nhớ, nhân dân đã lập đền thờ Hai Bà tại làng. Hàng năm vào dịp mùng 8 tháng 3 Âm lịch - ngày Hai Bà hy sinh - dân làng lại mở hội tưởng niệm công lao của Hai Bà với những màn diễn xướng, rước kiệu và tục thả bánh trôi trên dòng sông Hát.

Cách nay gần 7 năm, đền từng bị mất cắp nhiều cổ vật quý, sau đó thủ phạm đã gửi lại nguyên vẹn số sắc phong, cổ vật đã lấy. Không biết có phải vì công đức của Hai Bà đã đánh thức phần “Người” sâu xa trong tâm hồn những kẻ lầm lỗi ấy...

Bình An

Hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

  • Chuyên gia Triều Tiên sẽ tham gia màn xếp hình đồng diễn chào mừng đại lễ

Đoàn tiền trạm đầu tiên gồm các chuyên gia về nghệ thuật xếp hình, xếp chữ của Bộ Văn hóa CHDCND Triều Tiên đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị chương trình nghệ thuật tổng hợp xếp hình, xếp chữ chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông Song Yong Won, Vụ phó Vụ trình diễn Arirang hy vọng qua chuyến đi này đoàn sẽ nắm được chính xác điều kiện cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực tại Việt Nam để có thể cùng kết hợp dàn dựng chương trình độc đáo và phù hợp nhất chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Dự kiến, chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp, tổ chức đồng diễn xếp hình, xếp chữ thể dục nghệ thuật, có sự tham gia của các chuyên gia xếp hình CHDCND Triều Tiên sẽ được thực hiện tại Hà Nội vào tối 1-10-2010, ngày khai mạc chương trình kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

M.An

  • Giới thiệu với công chúng Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Được sự đồng ý của Chính phủ, Khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long sẽ được trưng bày giới thiệu trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khu di tích này bao gồm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội, với diện tích hơn 18.000m2.

Trong 5 năm qua, các cuộc khai quật tại 18 Hoàng Diệu đã phát lộ một quần thể di tích gồm nhiều loại hình kiến trúc dưới lòng đất, chứng minh sự hiện hữu lịch sử lâu dài của kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, trải từ thời tiền Thăng Long (thế kỷ thứ VII-IX), qua thời Đinh - tiền Lê (thế kỷ X), đến thời kỳ Thăng Long-Hà Nội, với các vương triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn (từ năm 1010 đến đầu thế kỷ XX). Những di vật ở di chỉ khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tại 18 Hoàng Diệu còn cho thấy Thăng Long - Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa trong thời gian dài hơn nghìn năm.

Đ.Thế

Tin cùng chuyên mục