Thắng lợi của ba bên

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 chính thức diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2, thế nhưng, thực chất đã bắt đầu từ một ngày trước. Đó là vào sáng sớm 26-2, khi đoàn tàu bọc thép sơn màu xanh chở nhà lãnh đạo Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un, tiến vào ga Đồng Đăng, thành phố Lạng Sơn của Việt Nam. 

Chuyến đi tàu hỏa kéo dài 60 giờ đến Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh của Chủ tịch Kim Jong-un đã gây sự chú ý lớn của dư luận, khi truyền thông quốc tế theo sát từng bước trên lộ trình di chuyển, kể cả khi Chủ tịch Kim Jong-un xuống ga Nam Ninh (Trung Quốc) đi bộ, hút thuốc.

Cùng trong tối 26-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) trên chiếc Không Lực Một, khẳng định chắc chắn thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Hà Nội, không như lần gặp trước ở Singapore - hai bên đã sử dụng những đòn thế gây hoang mang cho dư luận, hết hoãn rồi lại quyết sẽ gặp ở ngay trước thời điểm cuối cùng đã được dự liệu trước.

Ở hội nghị thượng đỉnh lần 1 tại Singapore, 2 bên đã cam kết thiết lập mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên mới; chung sức xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; Triều Tiên cam kết nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; 2 bên cam kết tìm kiếm tù binh và hài cốt những người mất tích trong chiến tranh, bao gồm việc hồi hương các hài cốt đã được xác định danh tính.

8 tháng sau, tiến trình mà cả thế giới kỳ vọng vẫn giậm chân tại chỗ, khi mà 2 bên có những sự hiểu biết quá khác biệt về chính các cam kết đó! Chính vì thế mới có hội nghị thượng đỉnh thứ 2 tại Hà Nội. Hiển nhiên, người ta trông chờ hội nghị thượng đỉnh lần này ở Hà Nội sẽ có những bước đột phá mới, ít nhất là cũng cụ thể hóa thêm một bước, dù nhỏ, những cam kết đã có tại hội nghị thượng đỉnh Singapore. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tổng thể thì ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi xuống cùng với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bên bàn hội đàm thì đó đã là một chiến thắng của cả 3 bên!

Những kết quả đạt được ở hội nghị thượng đỉnh lần này, nếu có, sẽ là phần cộng thêm đáng khích lệ cho những nỗ lực bấy lâu nay của cá nhân 2 ông Donald Trump - Kim Jong-un. Sẽ không có gì tuyệt hơn nếu như phần cộng thêm đó là một bước cụ thể hóa mạnh mẽ những cam kết của 2 bên về việc chấm dứt chiến tranh (trên lý thuyết vẫn còn tồn tại giữa Mỹ và Triều Tiên vì mới có hiệp định đình chiến), đồng thời với những bước cụ thể hóa của lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, có thể kiểm chứng và không đảo ngược được.

Đó sẽ là dấu ấn lịch sử mang tên Hà Nội 2019.

Nhưng những bước tiến nhỏ cũng đáng để hy vọng. Sự thiếu vắng lòng tin trong một thời gian quá dài cần những bước đi thận trọng nhưng quyết đoán. Những văn phòng liên lạc được thiết lập ở mỗi nước (như đã có giữa Hàn Quốc với Triều Tiên từ năm 2018), các biện pháp nới lỏng dần lệnh trừng phạt hay các biện pháp xây dựng lòng tin dần dần sẽ giúp xóa đi nghi kỵ, bắc những nhịp cầu bước qua quá khứ. Đó chính là điều đáng để chờ đợi ở thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này tại Hà Nội.

Việt Nam là nước chủ nhà, không trực tiếp tham dự hội nghị, nhưng đã nhận được sự thừa nhận rộng rãi là địa điểm không đâu thích hợp hơn để diễn ra một sự kiện quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Đó đã là một thành công ngay cả trước khi hội nghị diễn ra.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong thông điệp liên bang đọc ngày 5-2-2019 (sáng 6-2 theo giờ Hà Nội), thông báo rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 sẽ diễn ra ở Việt Nam trong 2 ngày 27 và 28-2, đã chấm dứt mọi lời đồn đoán trước đó về quốc gia nào sẽ là nước chủ nhà của hội nghị. Ba ngày sau, Tổng thống Mỹ tiếp tục tiết lộ địa điểm chính thức sẽ là Hà Nội. Nhưng đây là một hội nghị hai bên, có nghĩa là phải có sự đồng ý của bên thứ hai, thì mọi sự mới chính thức được khởi động. Ít nhất phải đến trung tuần tháng 2, nước chủ nhà mới chính thức nhận được xác nhận chắc chắn về hội nghị. Và như vậy, chỉ trong khoảng 10 ngày, Việt Nam đã phải hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ để đảm bảo hội nghị diễn ra một cách suôn sẻ, đáp ứng những yêu cầu cao nhất của một hội nghị quốc tế tầm thượng đỉnh.

Những kinh nghiệm của việc tổ chức các sự kiện quốc tế đa phương như APEC đã giúp ích nhiều cho việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Nhưng điều quan trọng hơn là Việt Nam đã biết cách để huy động sức mạnh tổng lực, từ người lãnh đạo cao nhất cho tới từng người dân tham gia vào việc tổ chức hội nghị. Đấy là một công việc phi thường và Việt Nam đã đóng góp một cách đầy ấn tượng vào tiến trình xác lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tin cùng chuyên mục