Thăng Long – Hà Nội, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Như cây một gốc, như con một nhà

Thăng Long – Hà Nội, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Như cây một gốc, như con một nhà

Suốt nhiều thế kỷ, mặc dù tên gọi có khác nhau nhưng Thăng Long vẫn là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử chuyển dịch đế đô ở nước ta. Từ lâu, thủ đô Thăng Long - Hà Nội đã là nơi lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Với những ai đã hiểu về lịch sử, ắt đều tự hào là con Lạc cháu Hồng, tự hào về truyền thống vô cùng tốt đẹp, đó là lòng yêu nước…

1. Trong thời Trịnh Nguyễn phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài nhưng Thăng Long vẫn tượng trưng cho quốc gia Việt Nam. 60 năm đầu thế kỷ 19, Huế từng là thủ đô của nước Việt Nam rồi nước Đại Nam thống nhất nhưng vẫn không thay thế được Thăng Long về mặt tinh thần và văn hóa trong tâm thức người Sài Gòn. Dưới chế độ thực dân Pháp, Hà Nội, Huế, Sài Gòn là thủ phủ cho 3 kỳ nhưng nhân dân Sài Gòn luôn xem Hà Nội thay mặt cho cả nước.

Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (Hà Nội).
Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (Hà Nội).

Lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội làm cho chúng ta tự hào. Từ quyết tâm bảo vệ đất nước, giữ vững thủ đô Thăng Long – Hà Nội, nhân dân ta đã đánh bại 6 đội quân ngoại xâm. Trong 115 năm Triều Lý (1010 - 1225) có Chiếu dời đô với những câu: “Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân… Huống gì thành Đại La, địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt... Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào”. Qua những câu trên, ta biết nỗi lòng vua đã nghĩ đến dân và vua biết tôn trọng ý dân, đó là điều hiếm có.

Về Lý Thường Kiệt, chẳng những là một danh tướng mà còn là một thiên tài về làm công tác tư tưởng. Chỉ với cách đưa ra 4 câu thơ ngắn, dễ nhớ, dễ hiểu mà chuyển cả vạn quân. 4 câu thơ đó được coi là bài thơ Thần và được đánh giá là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc ta với khí phách rất hiên ngang:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Năm 1253, Quốc Tử Giám được sửa lại thành Viện Quốc học, đồng thời lập Giảng võ đường để đào tạo quan võ, quan văn. Tháng 1-1285, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông mời các bậc phụ lão có uy tín trong nước về kinh đô Thăng Long, thết tiệc ở Điện Diên Hồng để hỏi kế đánh giặc Nguyên. Sau này thường gọi là Hội nghị Diên Hồng - hình thức trưng cầu dân ý đầu tiên trong chế độ phong kiến ở nước ta.

Trần Hưng Đạo là vị đại danh tướng, nhà trí thức lớn đầu tiên đã chú trọng xây dựng lý luận quân sự, soạn quyển Binh thư yếu lược, ra tờ hịch nổi tiếng, động viên quân sĩ học tập và phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng. Tháng 8-1300, Trần Hưng Đạo ốm nặng sắp mất, đã có lời tâu với vua Trần Anh Tông: “Dùng binh phải có sự đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Theo cách ấy, từ lúc bình phải khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thuật giữ nước hay hơn cả”.

Sau khi dẹp xong giặc Minh, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi làm tờ “Bình Ngô Đại Cáo” bằng Hán văn. Đó là bản tuyên cáo hùng hồn về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh, là bản tổng kết sâu sắc lịch sử chống xâm lược của dân ta. Bình Ngô Đại Cáo cũng được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc ta, là tuyên ngôn về nước Đại Việt có khả năng độc lập tự chủ và có quyền phải được độc lập tự chủ. Độc lập tự chủ là do vua đã tập hợp được sức dân, quy tụ được nhân tài hào kiệt của đất nước.

Thời vua Lê Thánh Tông, nổi lên việc ban bố chính sách đối với công thần, nghiêm trị nhũng lạm, đặt ra 24 điều để giảng dạy dân giữ thói tốt; giao Ngô Sĩ Liên làm Đại Việt Sử ký; định phép Thi Hương sửa phép Thi Hội để chọn nhân tài; xây dựng kho chứa sách; ban hành bộ luật đời Hồng Đức trong đó coi trọng phong tục tập quán của nhân dân, chiếu cố quyền lợi phụ nữ.

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ nổi lên là nhà cầm quân rất giỏi tổ chức, giỏi giáo dục động viên quân sĩ, giỏi mưu lược, biết dùng hiền tài nên đánh đâu thắng đó. Đời vua ngắn ngủi nhưng sự nghiệp cứu nước rất vĩ đại. Vua Quang Trung đã để lại cho Hà Nội một di tích lịch sử, đó là Gò Đống Đa.

Hà Nội cũng là nơi vào năm 1907, Phan Chu Trinh đã lập ra Đông kinh Nghĩa thục và tham gia giảng dạy nhằm thức tỉnh tinh thần “tự lực khai hóa”.

2. Sau thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa đầu tiên, Hà Nội là nơi Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945 mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - đó là một nước độc lập do dân làm chủ, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giành độc lập để mưu cầu cuộc sống tự do hạnh phúc cho dân. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã trang bị cho dân tộc ta vũ khí chính trị tư tưởng để giữ vững chính quyền cách mạng vốn khó hơn nhiều lần so với việc giành chính quyền.

Nhân dân cả nước vui mừng khi biết miền Bắc trong đó có Hà Nội, đã chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Trong công cuộc đổi mới, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích to lớn, được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình và được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Thủ đô anh hùng.

Đặc biệt Hà Nội là nơi Bác Hồ đã viết bản Di chúc, trong đó, có phần Bác dặn về việc riêng: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của dân” . Lời dặn của Bác Hồ về việc riêng trong bản di chúc không chỉ là theo truyền thống tốt đẹp của thời đại Lý Trần mà còn nâng lên tầm cao mới của một lãnh tụ cộng sản, một danh nhân văn hóa.

Sau kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nếu Đảng ta tiếp tục học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ hơn nữa, chống lãng phí tham nhũng quyết liệt hơn nữa, ngăn cấm việc xây dựng những công trình kiến trúc tiêu tốn nhiều công quỹ nhưng chưa thật bức thiết và dồn sức cải thiện đời sống vật chất văn hóa cho dân nghèo, nhân dân sẽ rất vui mừng.

Nếu vẻ đẹp của lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với những sự kiện như kể trên đã tỏa ra cho nhân dân cả nước, thì nhân dân trong cả nước cũng có vẻ đẹp về lịch sử riêng của địa phương mình góp vào lịch sử chung.

3. TPHCM ra đời từ sự kết hợp Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định, là một trung tâm đô thị của vùng Nam bộ, có lịch sử chỉ hơn 300 năm nhưng cũng có nhiều điều hay.

Dân Nam bộ qua hàng trăm năm đã khai hoang lập ấp, quen sống trong chế độ tự quản. Khi có sự quản lý hành chánh của nhà Nguyễn cũng chỉ đến cấp phủ, huyện, còn ở cấp xã, ấp, dân vẫn tự sống theo hương ước lệ làng. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã sớm nhận diện kẻ thù mới khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định năm 1859. Xưởng Ba Son, rồi cảng Sài Gòn ra đời - nơi vào ra của những tàu thủy chạy máy nên người Sài Gòn tiếp cận với công nghiệp cơ khí sớm nhất. Nền công nghiệp cơ khí đã sản sinh ra người thợ đứng máy, những kỹ thuật viên, những người quản lý theo phong cách mới đầu tiên cũng từ Sài Gòn. Công nhân lao động Sài Gòn là lực lượng sớm biết kiểu bóc lột mới tư bản chủ nghĩa, sớm biết phương thức đấu tranh mới như biểu tình, đình công, lãn công đòi cải thiện đời sống, cải thiện chế độ làm việc, đòi tự do nghiệp đoàn, tự do ngôn luận, tự do báo chí, bình đẳng nam nữ.

Ở Sài Gòn năm 1921, công nhân đã biết vị hội trưởng tổ chức công hội bí mật Tôn Đức Thắng là người đã sớm gắn kết được lòng yêu nước của công nhân với cuộc đấu tranh vì lợi ích giai cấp và tinh thần quốc tế. Đến lúc làm Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn giữ cốt cách lối sống người thợ và cùng với Bác Hồ, là hai biểu tượng về người lãnh tụ cộng sản tuyệt đẹp.

Sài Gòn ít chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính trị phong kiến. Phong trào Cần Vương không ăn sâu vào dân TP mà người ta tự hào về Trương Định, vua hàng nhưng ông quyết không hàng, phất cờ nghĩa quy tụ dân kháng Pháp, không mù quáng gắn “ái quốc” với “trung quân”. Đặc biệt Trương Định là Đại nguyên soái Bình Tây do dân phong.

Từ năm 1919, giới thanh niên Tây học đã biết ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc khi báo Le Courrier de Sai gon đăng tải bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” và thư gửi Tổng thống Mỹ đang tham dự Hội nghị Hòa bình ở Versailles. Năm 1923, toàn văn bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Mác - Ăng ghen đã được đăng công khai ở Sài Gòn trên Báo La cloche fêlée của Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường.

Ở một TP lớn, không được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương nhưng cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi trọn vẹn, trước lúc quân Đồng minh chưa kịp đổ bộ vào Sài Gòn. Nếu không được như vậy thì dù đã khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội, cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng không thể thành công. Ngày 23-9-1945, nhân dân Sài Gòn đã nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến chống giặc Pháp lần thứ hai, cầm chân giặc ở TP một tháng để các tỉnh ở Nam bộ có thời gian chuẩn bị và để cho Chính phủ ta có thế mạnh trong lúc đàm phán với Chính phủ Pháp.

Ở Sài Gòn đã có những hình thức đấu tranh khá đặc biệt như tự thiêu, nhà báo mang bị đi ăn mày, thanh niên lật xe địch trên đường phố. Đó là phong trào của lực lượng đặc công, biệt động với những trận đánh như trời giáng xuống các nơi ở trung tâm sào huyệt của địch kết hợp với công tác binh vận, sử dụng cơ sở nội tuyến dùng máy bay địch ném bom vào sân bay, vào Dinh Độc lập. Du kích Củ Chi đã đào cả trăm kilômét địa đạo để chiến đấu với địch, quyết bám làng bám đất. Đặc công Rừng Sác liên tục tấn công vào tàu địch ở sông Lòng Tàu  gây cho địch nhiều tổn thất.

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Sài Gòn luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió và Sài Gòn cũng là nơi đã làm cho giặc Mỹ bị thương vong nhiều nhất.

Trong công cuộc đổi mới, Sài Gòn là nơi có nhiều sáng kiến đóng góp với Trung ương Đảng và Chính phủ. TPHCM là TP của cả nước, vì cả nước, luôn cùng với Hà Nội chia sẻ niềm vui, nỗi lo.

Mối quan hệ lịch sử giữa 1.000 Thăng Long - Hà Nội với TPHCM chứng tỏ hai địa danh này luôn gắn bó với nhau như cây một gốc, như con một nhà.

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục